Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 27,86 tỷ USD, tăng trưởng 2,4% so với tháng 6. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD, tăng 3,4%. Kết quả xuất khẩu tháng 7 là hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam với những trọng điểm kinh tế như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Năm 2021, phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu đạt 8%
Xuất khẩu 7 tháng qua ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh
Lũy kế hết tháng 7, xuất khẩu cả nước đạt 186,35 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 7 đạt 29,1 tỷ USD tăng 5,3% so với tháng trước và nâng tổng kim ngạch trong 7 tháng lên 188,76 tỷ USD tăng 35,8% so với cùng kỳ 2020.
Như vậy, hết tháng 7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 375 tỷ USD và nước ta nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.
Ở góc độ khác, hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng đang có nhiều thuận lợi. Đơn cử, ngày 24/7/2021, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tin vui bởi Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện nay, chuỗi xuất khẩu hàng hóa đang đứt gãy do nhiều doanh nghiệp sản xuất phải đóng cửa khi không đáp ứng được các yêu cầu về “3 tại chỗ”. Các yêu cầu phòng chống dịch không đồng nhất tại các địa phương cũng khiến hoạt động vận chuyển, lưu thông xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất đơn hàng. Trong bối cảnh thị trường thế giới dần phục hồi, nhu cầu hàng hóa tăng cao, việc không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi rất lớn của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương dự báo, để dự báo về kết quả xuất khẩu của nước ta trong năm 2021 sẽ rất khó bởi sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, với tiềm lực, kinh nghiệm chúng ta tích lũy được trong thời gian vừa qua, cộng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do và uy tín mà doanh nghiệp đã thiết lập được thì có thể hy vọng ta sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi xuất khẩu trong thời gian tới.
Đa dạng giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu
Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã ký ban hành Quyết định số 1993/QĐ-BCT ngày 20/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu là cần chủ động quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động trở lại, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Để thực hiện mục tiêu này, Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á, châu Phi theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu nông, thủy sản qua biên giới; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. Bên cạnh đó, theo dõi việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, triển khai kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc.
Bên cạnh đó, Vụ thị trường châu Á, châu Phi chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường trong nước làm việc với các đơn vị của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng quy trình phòng chống dịch thống nhất đối với việc vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu.
 
Cục Công nghiệp có trách nhiệm tham mưu, đề xuất các biện pháp ổn định sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên cơ sở đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các ngành hàng công nghiệp do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tiết hoạt động lưu thông hàng hóa phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.
Song song với giải pháp kể trên, Bộ Công Thương đặt mục tiêu quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, chủ động tháo gỡ khó khăn và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giữ vững, kết hợp với mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý, bao gồm cả cán cân thương mại nói chung và với từng khu vực thị trường.
Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trên thị trường ngoài; tăng cường phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Theo: Phương Lan, congthuong.vn