Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Hàng Việt ngày càng được doanh nghiệp ủng hộ, người dân tin dùng

Ngày đăng : 18/04/2019

Là một trong những thành tố quan trọng nhất giúp Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành công, đó là các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động; nhờ đó hàng Việt đang dần chinh phục người tiêu dùng Việt.

 

Hàng Việt dần chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Ảnh: Diệu Anh

Doanh nghiệp tích cực hưởng ứng cuộc vận động

Được coi là một trong những niềm tự hào của ngành sản xuất Thủ đô, khóa Việt Tiệp không chỉ là một sản phẩm đơn thuần mà đã trở thành một biểu tượng cho sản phẩm Hà Nội nhờ sự gắn bó với người tiêu dùng một cách bền bỉ, lâu dài. Có được kết quả này, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Khóa Việt Tiệp cho biết, mỗi năm, công ty đầu tư 30-50 tỷ đồng cho thiết bị mới, giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, công ty đã đa dạng hóa hệ thống phân phối bán hàng với 2 văn phòng ở Hà Nội, nhiều chi nhánh ở TPHCM, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, gần 400 đại lý và hàng ngàn cửa hàng. Công ty cũng chú trọng tăng cường quảng bá sản phẩm. Hiện nay, mỗi năm Khoá Việt Tiệp đưa ra thị trường từ 10-15 sản phẩm mới. Sản phẩm ngày càng mang tính hiện đại hơn, tạo nên sự kích thích với người tiêu dùng.

Ông Vũ Đức Hiến, Giám đốc Công ty CP Diligo Holdings - Doanh nghiệp chuyên sản xuất bàn chải, tăm bông cho biết, xác định thị trường trong nước là một thị trường trọng điểm của hàng Việt, công ty đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đưa sản phẩm chinh phục người tiêu dùng như tạo lập hệ thống phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng ở cả nông thôn và thành thị; thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm...; các đơn vị thành viên công ty đã mở rộng sản xuất, quảng bá các thương hiệu Việt trên thị trường...

Để hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể như mặt bằng sản xuất, vốn, cơ chế chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp...

Thành phố cũng đã hỗ trợ bằng nhiều chương trình xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu Việt tham gia được nhiều chương trình giới thiệu quảng bá, sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, vẫn còn một số đơn vị, sở, ngành chưa chủ động quan tâm triển khai, thực hiện Cuộc vận động; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.

Kết nối, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn vì hàng nhập khẩu vốn giá thành rẻ, lại được miễn thuế, từ đó bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với hàng "ngoại" ngay trên "sân nhà".

Đặc biệt, để không bị hàng “ngoại” cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp Việt cần từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Từ đó, mới có thể vươn lên cạnh tranh và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Để thực hiện Cuộc vận động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2019.

Tổ chức đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố và hệ thống phân phối tại nước ngoài. Tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại.

(Theo thanglong.chinhphu.vn, 18/4/2019)