Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Giám sát chặt nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối

Ngày đăng : 28/03/2019

Chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho người dân Thủ đô. Việc quản lý chặt chẽ nguồn hàng tại các chợ đầu mối được xem là giải pháp quan trọng cho vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đang rất nóng hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho giám sát chặt nông sản tại chợ đầu mối

(Nguồn internet)

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 400 tấn thịt lợn/ngày; 170 tấn thịt gà, vịt/ngày; 1.000 tấn thủy, hải sản/ngày; 2.800 tấn rau, củ, quả/ngày. Trong khi đó, lượng hàng hóa lưu thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt khoảng 80 tấn thịt lợn/ngày; 30 tấn thịt gà, vịt/ngày; 70 tấn thủy, hải sản/ngày; 420 tấn rau, củ, quả/ngày. Điều này đồng nghĩa, nguồn cung thực phẩm tại hai chợ  đầu mối mới đáp ứng khoảng 7-20% nhu cầu tiêu thụ toàn TP.

Thực tế, việc kết nối giữa chợ  đầu mối và chợ dân sinh còn hạn chế. Đặc biệt, đối với các loại rau, củ, quả, phần lớn được người dân từ các tỉnh, thành vận chuyển trực tiếp đến bán tại các chợ. Do hạn chế trong khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại các chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị. Phần lớn hàng hóa tại siêu thị được thu mua trực tiếp của các nhà sản xuất có thương hiệu.

Điển hình, chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), mỗi ngày mua, bán, trung chuyển hàng trăm tấn gia cầm các loại. Gia cầm từ khắp các nơi được các tư thương thu gom đem đến chợ, sau đó bán lại cho các tư thương khác để đem về bán ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam… Với quy mô lớn như vậy, nhưng tại chợ đầu mối gia cầm này, có rất nhiều hộ buôn bán theo kiểu tự phát.

Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), hằng ngày, trung bình có 700 hộ kinh doanh tại chợ. Qua kiểm tra, sản phẩm động vật của các hộ kinh doanh tại chợ đều được mua từ các nơi khác mang về bán, nhất là sản phẩm đã qua chế biến đều không có tem nhãn sản phẩm. Các hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng... để chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, phần lớn bày bán trên bạt hoặc vỏ bao bì, thúng, mẹt để trên sàn chợ, không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh ATTP.

Chợ đầu mối phía nam (chợ Ðền Lừ), quận Hoàng Mai là một trong những đầu mối cung cấp nông, lâm, thủy sản lớn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy phần lớn thực phẩm (chủ yếu mặt hàng rau, củ, quả tươi sống) đã được kiểm soát, song do công tác quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn vào trong chợ...

Siết chặt công tác quản lý

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Thành phố năm 2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP; tập huấn các kiến thức bảo đảm ATTP cho các đối tượng quản lý, ban quản lý chợ, chủ hộ và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông lâm sản thủy sản thực phẩm tại chợ; tăng cường, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất, doanh nghiệp tại chợ bảo đảm ATTP bằng nhiều hình thức; tổ chức hội thảo, hội nghị quảng bá, tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh nông lâm thủy sản tại chợ như rà soát, khảo sát, đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP tại các chợ đầu mối và chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ ban quản lý chợ, các hộ kinh doanh trong chợ đáp ứng các tiêu chí, điều kiện bảo đảm ATTP về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, yêu cầu về quản lý chất lượng bảo đảm ATTP... Nâng cao năng lực cho ban quản lý chợ về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trong việc tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP tại chợ.

Tăng cường hoạt động kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm kinh doanh tại chợ, trong đó, thí điểm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm kinh doanh tại chợ đầu mối và trang bị thiết bị truy xuất nguồn gốc công cộng tại chợ để người tiêu dùng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, tăng cường thanh, kiểm tra, phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định ATTP đối với các cơ sở, sản phẩm nông lâm thủy sản được kinh doanh, phân phối, quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát hàng hóa từ các tỉnh thành phố đưa vào chợ nhằm kịp thời phát hiện các hành vi phạm quy định về ATTP, sản phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm chất lượng trước khi tiêu thụ trên thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP.

Thực hiện lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản, tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc BVTV cấm ngoài danh mục; các chỉ tiêu chất lượng, ATTP đối với sản phẩm sơ chế, chế biến có nguy cơ cao; Tăng cường hoạt động kiểm tra nhanh các chỉ tiêu ATTP tại chợ nhằm cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không bảo đảm ATTP.

(Theo thanglong.chinhphu.vn, 28/3/2019)