Nói về những hồ nước quanh Hà Nội, ta không dễ hình dung ra độ tĩnh lặng trầm ngâm thư thái như ao chuôm ở làng. Thế nhưng thực ra đó lại là những điểm nhấn buông lơi êm đềm nhất của TP.
Du khách bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh
|
Hồ Hoàn Kiếm những năm chiến tranh không hề náo nhiệt, phần vì người dân đi sơ tán gần hết, phần vì chính quyền kiểm soát chặt những hoạt động quanh hồ để đảm bảo an toàn thời chiến. Cái khoảng lặng 12ha mặt nước nằm giữa trung tâm Thủ đô với liễu rủ và cây cổ thụ quanh hồ gần như bị quên lãng. Bảy giờ tối nhìn từ ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu sang đường Lê Thái Tổ không một bóng người. Ánh đèn đêm vàng lấp ló trong hàng cây me già không đủ soi rõ con đường bên dưới. Nhìn sang hướng Hàng Khay đến tận Bách hóa Tổng hợp cũng tối tăm như vậy. Đèn ở cửa hàng bách hóa lớn nhất nước cũng tắt toàn bộ. Chỉ còn một điểm sáng duy nhất ở Bưu điện Bờ Hồ. Đó là cửa ngõ thông tin liên lạc không thể thiếu của dân phố với bên ngoài Hà Nội.
Phải đến hết chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất vào năm 1969, Bờ Hồ mới đông vui trở lại. Những sinh hoạt có phần tự phát nhiều hơn. Hát xẩm, bán sáo trúc, khắc bút máy dạo, xem phim đèn chiếu phải chui đầu vào tấm vải đen hôi mù. Người bán kem, bán quẩy, bán kẹo kéo lếch thếch chiếc bàn gấp dừng chân dưới bóng cây ven hồ.
Nhà nước chỉ mở cửa vài nhà hàng ăn uống giải khát bán theo giờ như Thủy Tạ, Bốn Mùa, Hồng Vân - Long Vân. Còn lại là khu tập thể thao ngoài trời Võ Sĩ Đoàn với vài chiếc xà đơn, xà kép và những bàn bóng bàn được sáng chế không theo bất kì qui cách thi đấu nào trên toàn thế giới. Còn có cả giải vô địch tổ chức mỗi chiều. Dĩ nhiên cũng chọn ra quán quân với phần thưởng là một chầu bia hơi bên nhà hàng Thủy Tạ.
Chỉ ngần ấy sinh hoạt cũng đủ làm nên một huyên náo quanh hồ suốt cả ngày. Những ngày lễ, Tết là cả một biển người đổ về ven hồ Hoàn Kiếm. Áo quần vẫn còn nhem nhuốc khói bụi chiến tranh, nhưng gương mặt ai cũng hồ hởi. Thời trang mùa Đông phổ biến nhất là chiếc áo blouson may bằng vải nilon ướt dài trùm kín mông cả nam lẫn nữ, gợi nhớ đến trang phục khăn xếp áo the của các cụ hồi đầu thế kỷ. Những sân khấu ngoài trời được dựng lên ở cửa Ngân hàng nhà nước, trong vườn hoa Chí Linh và cột đồng hồ bến xe điện.
Những giọng ca có âm vực cao vút như Tường Vi thường chỉ hát lại được đoạn điệp khúc trong bài “Cô gái vót chông” mà thôi. Riêng ca sĩ Trần Hiếu có thể hát “Voi ơi, voi ơi…” (Tiếng hát pháo binh - Huy Du) đến 5 lần. Dường như niềm vui được mang tiếng hát trực tiếp đến với khán giả là phần thưởng cao quí nhất với họ lúc bấy giờ.
Vài năm nay, TP đã quy hoạch khu vực ven Hồ Gươm thành phố đi bộ vui chơi giải trí trong những ngày cuối tuần. Trước đó đã thử nghiệm trong khu vực phố cổ với hàng quán bán mua nhộn nhịp, nhưng dân phố nhận ngay ra những hạn chế của sinh hoạt chợ đêm này. Nó không có đủ không gian dành cho những trò chơi và sinh hoạt cộng đồng. Những con phố cổ chật ních Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Lương Ngọc Quyến… nhanh chóng trở thành nơi người ta chỉ có thể ngắm nhìn cái lưng của nhau mà thôi. Cuối cùng thì Bờ Hồ vẫn là lựa chọn sáng suốt nhất.
Bờ hồ Hoàn Kiếm hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một không gian vui chơi cho ngày lễ, ngày Tết. Nói đến đi chơi Bờ Hồ là người ta hiểu ngay chỉ có thể là Hồ Gươm. Nơi có cột mốc cây số 0 Hà Nội theo qui ước là nằm ở nhà bưu điện cũ. Những con đường quanh hồ đều rất rộng rãi. Mặt nước như một lối mở bốn chiều làm cho không gian giãn rộng đến hết tầm mắt. Nó còn như một công cụ triệt tiêu những ồn ào phố xá xưa nay vẫn thế. Buổi tối, quanh Bờ Hồ là nơi khoe sắc của muôn nghìn cách chiếu sáng.
Ban ngày là cả một quần thể di tích đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa, tháp Hòa Phong cùng với hầu hết những loài cây quí hiếm của TP. Mùa nào cũng có những sắc màu riêng biệt mà người Hà Nội đã thuộc nằm lòng từ hàng thế kỷ trước. Hoa gạo tháng Ba ở phía đường Đinh Tiên Hoàng và cửa đền Ngọc Sơn. Hoa phượng chói đỏ tháng Năm bên cầu Thê Húc và rải rác quanh hồ. Cây lộc vừng chín gốc hồng rực buông hoa quãng gần cầu Thê Húc vào tháng Bảy. Mấy cây vông nem trổ hoa vàng cam rực rỡ dưới chân núi đá xếp Độc Tôn vào đầu tháng Tư. Những lùm lá non tơ trong vắt cây cơm nguội ở đấy vào cữ Giêng Hai. Lá bằng lăng vàng rộm mùa Đông rét mướt trên đường Lê Thái Tổ…
Màu sắc rực rỡ quanh hồ cả bốn mùa đều thấp thoáng trong ấy một điểm trắng êm đềm là Tháp Rùa nhỏ bé chơi vơi sóng nước. Gần như ở mọi góc nhìn, Tháp Rùa đều tham gia vào hòa sắc sinh động mà tĩnh lặng ấy.
Âm vang trên mặt hồ dù xa xưa vắng vẻ hay giờ đây đông đúc cũng không khác nhau nhiều lắm. Cái tĩnh lặng mặt hồ đủ sức hòa tan những ồn ào phố xá. Cảnh quan nơi ấy dường như cũng đủ sức áp đặt một lối sinh hoạt nền nã thanh lịch với dân bản xứ và cả những người ở xa đến. “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi từng miêu tả sẽ còn mãi đọng lại nết đất nết người hào hoa Hồ Gươm - Hà Nội.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị, 02/5/2018