Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Dương lịch, không khí mua sắm càng trở nên sôi động với hàng loạt chương trình khuyến mãi. Đây là cơ hội để người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chất lượng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cuối năm.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Có một con đê ven sông Hồng đã trở nên quen thuộc và cần thiết với cuộc sống người Hà Nội nhiều thế hệ
Đê Cơ Xá cũng là con đê lâu đời nhất của kinh thành. Ảnh minh họa
Lần giở theo sử sách, nhiều cuốn có ghi chép lại về đê Cơ Xá đoạn kéo dài từ Yên Phụ cho tới cuối đường Bạch Đằng, trước kia vốn là đất của 6 thôn Thủy Cơ, sau nhập thành thôn Cơ Xá, mà dân gốc vốn là dân làng An Xá.
Làng này trước ở trong đê, khi vua Lý Thái Tổ lấy đất xây Thăng Long thành thì toàn bộ dân ở đây phải di dời ra ngoài đê làm nhà để ở, buôn bán kiếm sống.
Đê Cơ Xá cũng là con đê lâu đời nhất của kinh thành, có vị trí gần Hồ Tây. Những câu chuyện về con đê cổ này luôn thu hút sự tò mò của bao thế hệ người Việt.
Bao quanh đê Cơ Xá và những con đê ven sông Hồng giờ đây đã hình thành nên nhiều con đường lớn của thủ đô như đường Trần Quang Khải, phố Nguyễn Khoái, phố Yên Phụ, đường Âu Cơ…
Đi trên những con đường đó chúng ta vẫn cảm giác được độ cao và vị trí gần sông của nó. Ví dụ đi qua đường Âu Cơ bạn có thể nhìn thấy chợ hoa Quảng Bá rực rỡ ở phía dưới và đoạn qua An Dương Vương chúng ta vẫn có thể thấy những rặng tre um tùm xanh tốt, chỉ cần qua mặt đường một chút rồi đi xuống là thấy sông Hồng mênh mang đỏ lừ mùa nước lũ.
Do có vị trí đặc biệt, nên sông Hồng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội, tạo nên những nét đặc trưng riêng về cấu trúc đô thị, phân bố dân cư và cả về bản sắc văn hóa.
Qua nhiều thế kỷ xây đắp, đê Cơ Xá đã hoàn thiện và trở nên vững chãi, dài rộng, sừng sững ngăn cách thành phố – trong đê với vùng đất bãi ngoài qua con đường gốm sứ huyền thoại.
Từ trước năm 1915, đê bao còn thấp, chưa ngăn cách thành phố với dòng sông như bây giờ. Phố xá, nhất là khu phố cổ tất thẩy đều hướng ra bờ sông, giao thương nhộn nhịp và tấp nập.
Thời ấy, đứng từ phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy sông Hồng với những cánh buồm ngược xuôi dòng…
Nhưng rồi sau trận lụt lịch sử vào năm 1915, nước sông dâng lên đến 13m, đe dọa Hà Nội, chính quyền đương thời đã cho tu bổ và xây tường đê lên cao đến 14,6m, mở vài cửa khẩu để cho dân ở trong và ngoài đê đi lại, giao thương cho thuận tiện, đến khi có lũ thì huy động dân chúng lấy bao đất, bao cát bịt lại, gọi là hàn khẩu, để ngăn nước sông Hồng tràn vào, như cửa khẩu Hàm Tử Quan, An Dương, Bạch Đằng…
Và thế là từ đó, dòng sông bị đẩy ra xa.
Qua nhiều thế kỷ xây đắp, đê Cơ Xá đã hoàn thiện và trở nên vững chãi, dài rộng, sừng sững. Ảnh minh họa
Phía ngoài đê, ngoài bãi rộng dài mênh mông kia bị lãng quên, trở thành “miền đất hứa” cho dân nghèo tứ xứ hội tụ về, gọi là dân tứ chiếng.
Nhà cửa thời ấy đơn giản lắm. Chủ yếu là nhà một tầng mái lợp gianh hay lá cọ, tường vách đất. Một số gia đình ở thôn Cơ Xá xưa, thì dựng nhà trên cột gỗ kiểu nhà sàn, dưới để trống, sinh sống khá thuận tiện mỗi khi có lũ lụt.
Dân ngoài đê kiếm sống bằng đủ nghề như nghề nông, trồng rau màu ở bãi giữa, bốc vác ở các bến sông, làm phu xe, chạy chợ, bán hàng rong, ve chai đồng nát, đi ở cho nhà giàu…
Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ đô được giải phóng, khu nhà ở tập thể hai tầng đầu tiên bằng gỗ được xây dựng ở khu vực Hàm Tử Quan, khởi đầu của sự hình thành đô thị ngoài đê.
Tiếp đó, là bến Bạch Đằng với nhiều con đường, con phố được mở, được đặt tên. Sự xuất hiện các khu nhà ở như K95 của quân đội, tập thể điện lực ở bãi Phúc Xá…
Rồi doanh trại quân đội, trụ sở, nơi làm việc một số cơ quan như Viện Khảo sát của Bộ Thủy Lợi, Công ty Vật tư của Bộ Điện Than, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội ở An Dương, Phúc Xá … sân thể thao Long Biên, nơi bắt đầu sự nghiệp quần đùi, áo số của nhiều cầu thủ bóng đá lẫy lừng một thời như Thế Anh (Ba đẻn) của Thể công… tất cả đã tạo thành những khối phố ngoài đê. Cũng tên phố, tên phường và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước máy.
Hơn ba mươi năm về trước, mỗi khi vào mùa lũ, nước sông Hồng lại từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, cả khu vực ngoài đê mênh mang nước.
Người dân ở ngoài đê, nhất là khu vực Phúc Xá, An Dương, Bạch Đằng… phải bồng bế con cái, mang theo của nả sơ tán vào trong phố. Người nào có họ hàng, người quen tốt bụng cho tá túc thì đỡ, còn thì căng nilon, dựng lều bạt tạm bợ trên mặt đê, dọc vỉa hè đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải…mà trú tạm qua mấy ngày nước sông Hồng lên.
Nước rút, lại bồng bế nhau về nạo vét phù sa trong nhà, ngoài ngõ để ở. Năm hai ba lần chạy lũ là chuyện thường.
Sau này, khi thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, rồi ở phía thượng nguồn phương Bắc, người ta xây những đập thủy điện cực lớn, lại thêm mươi năm gần đây khí hậu trái đất biến đổi thất thường, nên nước sông Hồng tuyệt không thấy lên cao nữa, thậm chí có năm đến mùa lũ mà dòng sông vẫn cạn.
Trong những năm đổi mới, kinh tế phát triển, cùng với sự mở rộng của thành phố, phố ngoài đê cũng đông đúc, sầm uất hơn.
Nhiều khu nhà ở mới như khu Đầm Trấu được xây dựng, nhiều tuyến phố chính ở phường Bạch Đằng, Phúc Xá, An Dương… được chỉnh trang giúp cho bộ mặt kiến trúc phố thị ngoài đê khang trang hơn.
Những bãi đất ngoài đê cơ xá đã từng là "miền đất hứa" cho dân nghèo tứ xứ. Ảnh minh họa
Con đê Cơ Xá ven bãi sông Hồng xuyên qua các vùng dân cư trù mật, tạo lên một không gian thiên nhiên rất ngoạn mục, thủy mặc hữu tình, đêm ngày soi bóng những bãi mía, ruộng ngô, rặng tre và rải rác các công trình văn hóa - lịch sử …
Tất cả đã trở thành máu thịt của người dân.
Trong tâm thức của nhiều người đã từng sinh sống và dành tình yêu cho mảnh đất này, có rất nhiều câu chuyện để kể lại, để gợi nhớ và trở thành những kỷ niệm sâu sắc.
Xưa kia ở Cơ Xá, người ta phân định rõ ràng: Trong đê và ngoài bãi sông. Ngoài bãi sông là nơi cấy trồng, đánh cá và người dân chỉ xây nhà, sinh sống ở trong đê vì lo sợ nước lũ có thể kéo đến mà cuốn đi tất cả. Giờ thì thiên nhiên biến đổi, thành phố ngày càng đông dân và dòng sông dường như cũng thu hẹp dần, nguồn nước cũng ít hơn.
Người dân đã sinh sống ở ngoài các bãi sông và những khu đất ẩm thấp, lụt lội đầy rắn rết, ễnh ương xưa kia nay đã trở thành phố phường, nhà cao tầng. Và có thể dễ dàng tìm thấy những cái tên phố mang dấu vết ngoài bãi sông Hồng như bãi Phúc Tân, bãi Phúc Xá, Đầm Trấu… Những nơi ấy, giờ đông vui, nhộn nhịp có kém gì những con phố giữa trung tâm.
Theo biến chuyển của thiên nhiên và lịch sử, những con đê, cũng dần có thay đổi về công năng và hình dạng. Nếu xưa kia, đê chỉ dùng để ngăn nước lũ thì nay trở thành đường, không phải chỉ là đường nhỏ mà là những con đường lớn huyết mạch. Mặt đê giờ đã được trải nhựa và thân đê xây bằng bê tông, thỉnh thoảng người ta lại trổ một cửa khẩu trên thân đê để làm lối đi lại cho dân cư.
Con đê dài tít tắp dọc theo các triền sông là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của nông thôn Việt Nam. Nếu bạn có dịp đi máy may, nhìn xuống thủ đô thì có thể thấy rõ những dòng sông đỏ lịm phù sa nằm giữa những những cánh đồng lúa xanh bát ngát, và những con đê dài uốn lượn ôm sát lấy dòng sông như một con trăn khổng lồ bao bọc, ôm giữ bảo vệ làng mạc, thành phố.
Những con đê cứ trải dài, vươn ra ôm giữ dòng sông, là bức tường thành bảo vệ sự trường tồn của các làng quê và thành phố.
Xa quê lâu ngày, sau khi bỏ lại những mái nhà cao tầng nhấp nhô sau lưng cũng là lúc tầm mắt gặp vóc dáng của triền đê mênh mang với lũy tre xanh... ấy cũng là lúc trong lòng thấy bình yên đến lạ,..
(Theo Kênh VOV giao thông, 10/9/2018)