Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Từng bước ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống

Ngày đăng : 01/10/2018

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; xây dựng hạ tầng thông tin văn minh, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực của đời sống.

Ảnh minh họa

Muốn có một nền tảng CNTT toàn diện, phù hợp với sự phát triển, Hà Nội cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để xây dựng. Nhưng trước mắt, Thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực như giao thông, y tế, hành chính công… nhằm từng bước cải thiện hiệu quả công tác quản lý đô thị.

Trong lĩnh vực hành chính công, hiện nay các thủ tục cơ bản như: Cấp giấy khai sinh; cấp đổi giấy phép lái xe… cũng đều được thực hiện thông qua Internet. Thay vì phải chờ đợi, xếp hàng tại các bộ phận một cửa như trước đây, người dân có thể thực hiện kê khai, đăng ký tại nhà, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại.

Tương tự, lĩnh vực y tế hiện cũng được hưởng lợi rất nhiều từ ứng dụng CNTT. Bệnh nhân có thể đặt lịch khám qua Internet, được hẹn giờ thăm khám…; vừa góp phần giảm tải cho bệnh viện vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự hài lòng cho người bệnh.

Nhiều lĩnh vực khác, khi ứng dụng CNTT đã tạo nên bước đột phá, đem đến những dịch vụ hữu ích trước nay chưa từng có cho người dân. Điển hình như việc xây dựng bản đồ số, thông tin về các điểm ngập úng trong mưa lớn do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện. Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng, tìm kiếm thông tin để tránh các điểm ngập úng khi tham gia giao thông. Hay ứng dụng Timbuyt do Tổng công ty Vận tải Hà Nội xây dựng cũng rất hữu ích với hành khách đi xe buýt. Thay vì chờ đợi trong mưa, nắng tại các điểm dừng, hay dò dẫm tìm tuyến xe buýt thích hợp, người dân có thể tìm kiếm ngay trên ứng dụng; biết chính xác thời điểm xe đến bến chờ...

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã bám sát Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước của Thành phố giai đoạn 2016-2020, tích cực tham mưu đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT của Hà Nội, Sở đã tiến hành rà soát, trình UBND Thành phố ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng tập trung, đồng bộ và thống nhất trên một hệ thống.

Ðến nay, trên toàn Thành phố đã có 386 dịch vụ công mức độ 3 và 170 dịch vụ công mức độ 4. Sở đang triển khai thử nghiệm hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố, kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại một số sở, quận, huyện.

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành còn giúp hoạt động minh bạch, nhanh chóng hơn. Việc liên thông giữa các cơ quan, chia sẻ dữ liệu dùng chung cũng được cải thiện hơn so với trước.

Tuy nhiên, dù tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn Hà Nội cao hơn so với cả nước, nhưng phần lớn người dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn phải đến bộ phận một cửa và cần sự hỗ trợ sử dụng của cán bộ, công chức. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ này tại nhà chưa cao. Chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực CNTT, viễn thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng quản lý nhà nước rộng, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đổi mới của Thành phố. Do đó, Sở cần tập trung nâng cao số lượng, chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ðồng thời, phải nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, không chỉ cán bộ, công chức mà chính người dân cũng phải sẵn sàng ứng dụng CNTT. Sở phải phát huy vai trò tham mưu, phối hợp trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bởi nếu không xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành, từng đơn vị, thì không có dữ liệu chung của thành phố và cũng không chia sẻ được thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Cùng với đó, trong quá trình tham mưu, triển khai ứng dụng CNTT, Sở phải thường xuyên so sánh, đối chiếu với các thành phố, các quốc gia khác, từ đó có định hướng đầu tư, tránh lãng phí các nguồn lực.

(Theo Cổng thông tin Điện tử Chính Phủ, 1/10/2018)