Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Phố Đặng Thai Mai: Lãng mạn và hiện đại

Ngày đăng : 03/10/2018

Tuy không quá lớn ở khu vực xung quanh Hồ Tây nhưng sự lãng mạn và hiện đại của phố cũng khiến cho nhiều du khách dừng chân qua đây phải xuýt xoa

Đặng Thai Mai (1902 - 1984) người Lương Điền, huyện Thanh Chương, Nghệ An, từng dạy ở trường Quốc học Huế, ông tham gia Đảng Tân Việt vào năm 1929 rồi bị tù 3 năm, sau đó ông ra Hà Nội tham gia mở trường tư thục Thăng Long, lập Hội Truyền bá quốc ngữ, viết báo công khai của Đảng và Mặt trận Bình dân.

Sau Cách mạng, ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đại biểu quốc hội nhiều khoá, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Ông là nhà lý luận phê bình sắc sảo.

Năm 1982, Đặng Thai Mai được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới.

Phố Đặng Thái Mai

Với những đóng góp quan trọng của nhà văn hóa Đặng Thai Mai, năm 1995, có một con đường nhỏ nằm trên địa bàn quận Tây Hồ được mang tên ông. Hà Nội nhiều đường đẹp nhưng đẹp đến mức như phố mới Đặng Thai Mai thì không dễ. Phố dài hơn 1km, nối từ đường Xuân Diệu rẽ vào khu biệt thự Hồ Tây, ra tới phủ Tây Hồ, trên bán đảo nhô ra hồ Tây.

Phố Đặng Thai Mai vốn thuộc đất thôn Tây Hồ, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, trước là phường Tây Hồ, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận cũ. Xưa có xóm Cung nay là xóm Quảng Khánh và xóm Trong, bán đảo nhô ra hồ có Phủ Tây Hồ thờ mẫu Liễu Hạnh, di tích đã được xếp hạng. Một điểm nhấn của phố chính là những ngôi chùa, ngôi đền linh thiêng.

Với những người dân Hà Nội hay những khách du lịch, đi đến Hồ Tây đều tìm đến phủ Tây Hồ thắp hương, cầu khấn mong một cuộc sống an lành và thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa. Thời điểm các ngôi chùa, đền đông nhất phải kể đến những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng hay ngày lễ, Tết. Cạnh đường có chùa Phổ Linh, xưa là Địa Linh, có từ thế kỷ XI và đền Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Nằm ẩn mình sau những rặng cây xanh, hưởng trọn vẹn không khí trong lành của hồ Tây, phố Đặng Thai Mai những năm gần đây có khá nhiều sự thay đổi khi bỗng chốc trở thành khu sinh sống, thư giãn lý tưởng của giới nhà giàu Hà Thành và cả những người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam với nhiều khu biệt thự sang trọng hiện đại.

Nhiều người ở đây cũng cho rằng Hồ Tây xưa mênh mông và huyền bí bao nhiêu thì các dự án xây dựng cao tầng hiện nay đã làm thay đổi nhiều đến cảnh sắc mênh mông và sức hấp dẫn đầy huyền thoại của Hồ Tây. Những mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại là tất yếu.

Do vậy mà sự lo lắng , tiếc nuối của người dân nơi đây cũng là điều dễ hiểu.

Chúng ta đang sống trong những ngày Thu Hà Nội thật đẹp. Khó ai có thể giữ được lòng mình không xao động khi những hàng cây đang dần thay lá trên các con đường, ngõ phố thân quen.

Nếu có dịp tới Hồ Tây bạn có thể ghé qua phố Đặng Thai Mai để cảm nhận rõ hơn sự lãng mạn, duyên dáng và đáng yêu đó qua những khung hình đầy sống động, nên thơ tại các công viên nhỏ, những vườn hoa mini hay những quán ăn nhẹ nhàng, cuốn hút.

Đó cũng là những ấn tượng khó quên của phố Đặng Thai Mai trong không gian Hồ Tây mà bạn có cơ hội khám phá.

Cứ mỗi độ thu về là đường Đặng Thai Mai lại trở nên lãng mạn, long lanh hơn cả cảnh trong phim tình cảm Hàn Quốc.

Con đường nhỏ vào thu nồng nàn mùi hoa sữa trắng dịu dàng làm cho những ai đã từng đạp xe qua đây đều không thể quên được. Mỗi khi có những cơn gió từ hồ Tây mênh mông thổi vào, cả phố lại như được ướp bởi một mùi thơm dễ chịu.

Trải qua thời gian, những gốc hoa sữa vẫn hiên ngang giữa trời thu tạo nên một con phố diễm lệ và thanh lịch như chính người Hà Nội. Còn những mùa khác, con đường này đẹp cũng không thua kém với hàng sấu cổ thụ, xanh thắm 2 bên đường. Khi bình minh đến, những tia nắng mai chiếu xiên qua kẽ lá xuống mặt đường lấp lánh như những giọt nắng như pha lê.

Không chỉ vậy, người ta còn nhớ tới con đường này lâu hơn, sâu hơn khi nó gắn liền với tên tuổi của nhà văn hóa Đặng Thai Mai . Bên cạnh những tòa cao ốc trọc trời trên phố còn có những quán hàng bình dân rất dễ thương. Một người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu ở một góc phố đã cả chục năm trời.

Sự cần mẫn bất kể nắng mưa của chị và những bát miến có đủ màu xanh của rau muống, vàng của lạc nhân, kết hợp với những miếng thịt bò thái mỏng đã làm ấm lòng những anh xe ôm, bác bảo vệ, chị công chức mỗi buổi trưa không kịp về nhà.

Không xa hàng bún riêu là một hàng đậu phụ mắm tôm của người phụ nữ quê Thái Bình. Những miếng đậu vàng óng, nóng hổi, bát mắm tôm ngầu bọt bởi vị chanh được điểm tô thêm những lát ớt đỏ và một ít mỡ sôi, tất cả được bày gọn trong cái mẹt nhỏ, tạo ra một mùi thơm đặc trưng khiến thực khách phải hít hà, xuýt xoa. Món ăn tuy giản dị, dân dã nhưng ngon miệng và lúc nào cũng đông khách.

Ở Hà Nội có rất nhiều quán ăn như thế, nhưng trong không gian mênh mông của Hồ Tây, trong nét lãng mạn, nên thơ của con đường Đặng Thai Mai thì sự nhỏ nhắn, nhẹ nhàng của 2 quán ăn này cứ khiến người qua đường nhớ mãi.

Tìm đến Phố Đặng Thai Mai, cảm nhận được sự bình yên để ta thêm trân quý và gìn giữ những không gian xanh mát của một thủ đô Hà Nội ồn ào và tấp nập, đó phải chăng là điều bấy lâu nay bạn chưa nhận ra?

(Theo Kênh VOV giao thông, 1/10/2018)