Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Gian hàng Việt trực tuyến - nền móng của hệ sinh thái thương mại điện tử

Ngày đăng : 10/06/2021

Trong đại dịch Covid-19, hoạt động giao thương trực tuyến và chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn cho GDP.

Các doanh nghiệp không chỉ tận dụng những thay đổi trong thói quan tiêu dùng của người dân và thị trường để tăng doanh thu-lợi nhuận, sớm chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp còn liên kết với nhau – thiết thực hỗ trợ quảng bá tiêu thụ hàng Việt toàn cầu, tạo nền móng hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam.

Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối bài bản trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, qua Gian hàng Việt trực tuyến được điều phối bởi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương. Lần đầu tiên cụm từ “Vải thiều Bắc Giang” nhuộm đỏ các sàn thương mại điện tử - thể hiện sự chung tay của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và cộng đồng trong việc cùng với các địa phương, các hợp tác xã trồng vải ở Bắc Giang phân phối sản phẩm vải thiều trên môi trường trực tuyến.

Trước khi diễn ra “Lễ hội vải thiều” – vào hôm 8/6/2021, các sàn thương mại điện tử đã đồng loạt mở bán vải thiều, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nông dân thúc đẩy tiêu thụ tích cực loại mặt hàng này.

Vải thiều Bắc Giang được bán trên 6 sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: KT)

Vải thiều Bắc Giang được bán trên 6 sàn thương mại điện tử. 

Chỉ tính đến hết ngày 7/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được tới 53.000 tấn vải thiều cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Việc Bắc Giang cũng như 1 số địa phương có các sản phẩm nông sản đặc trưng chủ động phối hợp áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sáng tạo và phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh Covid-19 bùng phát cục bộ 1 vài nơi. Tôi mong rằng không chỉ trái vải thiều mà 1 số đặc sản khác cũng áp dụng để hiệu quả kinh doanh được nhân lên nhiều lần trong tương lai”.

Câu chuyện các sàn thương mại điện tử hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân chỉ là 1 ví dụ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động giao thương trực tuyến và chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế mới. Tính hiệu quả của hoạt động này sẽ còn được thể hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử khẳng định họ không chỉ tận dụng những thay đổi trong thói quan tiêu dùng của người dân và thị trường để tăng doanh thu-lợi nhuận, sớm chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử mà còn liên kết với nhau – thiết thực hỗ trợ quảng bá tiêu thụ hàng Việt toàn cầu.

Ông Trần Trung Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) – đơn vị hỗ trợ bà con nông dân ở cả 2 khía cạnh logistic và quảng bả sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò, đại diện các sàn Lazada, Shopee, Tiki, Postmart, Sendo cho rằng, chuyển đổi số được xem là cơ hội lớn hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài, đồng thời nâng tầm giá trị nông sản Việt trong thị trường nội địa.

“Với sứ mệnh chung tay góp sức cùng Quốc gia thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp thương mại điện tử chúng tôi đã và đang nỗ lực trong mọi mặt, từ việc xây dựng thị trường lành mạnh có tính cạnh tranh, cho đến kết hợp cùng các đơn vị liên quan cấu thành nên chuỗi cung ứng bền vững. Bước đầu tiên, các doanh nghiệp đã phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai đồng loạt “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn, qua đó ưu tiên, hỗ trợ tạo điều kiện cho người bán, thương nhân tiếp cận với phương thức bán hàng mới. Ngoài ra, các sàn Thương mại điện tử còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn với người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm” - ông Trần Trung Hưng nói.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là một ngành kinh tế mới, sẽ thịnh hành và phát triển bứt phá trong giai đoạn tới, xứng tầm với kỳ vọng là một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số trong tương lai. Điều đó có nghĩa, mỗi doanh nghiệp, từng cá nhân có những ưu tiên-sáng tạo và đầu tư cho hoạt động này, họ hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh thị phần và phát triển vượt bậc. Đây là lí do rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đang dốc sức trong cuộc đua ở lĩnh vực này.

Việc các doanh nghiệp đang liên kết hỗ trợ quảng bá tiêu thụ hàng Việt trong cả nước và trên quy mô toàn cầu là hoạt động ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh hàng Việt nên tranh thủ thời cơ, để xúc tiến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm của mình, trên chính hệ sinh thái thương mại điện tử Việt./.

(Theo Thu Trang, VOV1, ngày 10/06/2021)