Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Xuất khẩu gỗ: Cơ hội từ thị trường EU

Ngày đăng : 30/10/2019

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường chính của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này đang có sự tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Thị trường tiềm năng cho gỗ Việt

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 9,041 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,955 tỷ USD. Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt 7,81 tỷ USD, chiếm khoảng 86,6% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.

xuat khau go co hoi tu thi truong eu
Cơ hội từ thị trường EU cho sản phẩm gỗ Việt Nam là rất lớn

Trong đó, đối với thị trường EU, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - nhận định, đây được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng cho gỗ Việt. Năm 2018, sản xuất đồ nội thất ở EU đạt hơn 92 tỷ Euro (tương đương 102,7 tỷ USD), chiếm 1/4 ngành công nghiệp đồ nội thất toàn cầu.

Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4 triệu tấn, trị giá gần 11 tỷ Euro, tương đương với 12 tỷ USD, tăng 6% về lượng và tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 3,38 tỷ Euro, tương đương 3,7 tỷ USD, tăng gần 11% về lượng và 14,2% về trị giá. Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường ngoài khối cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho EU. Lượng và trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ hai thị trường đều tăng, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ hai thị trường đều giảm.

Trong đó, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ Việt Nam đạt 135.000 tấn, trị giá 439 triệu Euro, tương đương 483 triệu USD, tăng gần 3% về lượng, tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Đơn giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức cao, đạt 3.258,7 Euro/tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Về chủng loại nhập khẩu, nhập khẩu mặt hàng ghế khung gỗ từ các thị trường ngoài khối trong 6 tháng đầu năm 2019 của EU đạt 313.000 tấn và trị giá 1,2 tỷ Euro, tương đương với 1,35 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, EU nhập khẩu từ Việt Nam đạt 39.000 tấn, trị giá 136,8 triệu Euro, tương đương 150,5 triệu USD, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam hiện là một trong 4 thị trường cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chính cho EU, đồng thời cũng là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn thứ 8 của EU. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,2% tổng lượng nhập khẩu.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO) cho biết, các nhà nhập khẩu EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam bởi những cải tiến vượt trội ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Nghị viện châu Âu (MEPs) đã bỏ phiếu cấm dao kéo nhựa sử dụng một lần, nụ bông, ống hút và máy khuấy, đây là một phần của đạo luật chống lại rác thải nhựa làm tác động xấu tới môi trường. Cuộc bỏ phiếu của MEPs mở đường cho lệnh cấm nhựa sử dụng một lần có hiệu lực vào năm 2021 tại tất cả các quốc gia thành viên EU. Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu tiêu thụ đồ dùng nhà bếp và bộ đồ ăn bằng gỗ sẽ ngày càng tăng để thay thế đồ nhựa dùng một lần tại thị trường EU trong những năm tới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gia dụng bằng gỗ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.

"Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ đã góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt" - ông Nguyễn Quốc Trị nhận định.

Trong số các nước EU, Đức được coi là một điểm đến hứa hẹn của gỗ Việt. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức trong tháng 7/2019 đạt 357,8 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 2,9 tỷ USD.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 5 cho Đức trong 7 tháng đầu năm 2019, đạt 86,2 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức 7 tháng đầu năm 2019 tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,9%.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm, đây là thị trường vẫn còn tiềm năng đối với ngành gỗ Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý, so với luật chung của EU, luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn: Chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Thương hiệu, sản phẩm nào đã vào được thị trường Đức cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được các thị trường khác trong khối EU. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế xuất nhập khẩu... của Đức để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

(Nguyễn Hạnh - Báo Công Thương Điện Tử, ngày 30/10/2019)