Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Cơ hội mở toang cho thủy sản chế biến

Ngày đăng : 05/08/2020

Hiệp định EVFTA đã mở ra cho ngành chế biến thủy sản Bình Định nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Nhân viên Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. 

Rộng đường

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp; bởi khi xuất khẩu vào thị trường các nước trong Liên minh châu Âu, thuế quan sẽ được giảm dần về 0% theo lộ trình của EU tùy từng thời điểm, trong đó có mặt hàng thủy sản.

Đó là điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định có cơ hội cạnh tranh với các nước trên thế giới, nhất là với những nước đã được hưởng ưu đãi này từ trước đến giờ.

“Khi thuế quan giảm về mức 0% chúng tôi sẽ có cơ hội cạnh tranh giá cả với các nước khác, theo đó lượng hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là mặt hàng cao cấp, những sản phẩm mà trước đây phải chịu mức thuế rất cao. Khi thuế còn 0% thì chúng tôi có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, hoạt động của doanh nghiệp sẽ khởi sắc”, bà Lan kỳ vọng.

Một lợi thế khác mà Hiệp định EVFTA mang lại cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam là khi đã có chỗ đứng trên thị trường châu Âu, một trong những khu vực thị trường quy mô lớn và có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới, thì ắt sẽ có cơ hội chinh phục các thị trường khó tính khác.

Nhân viên Công ty CP Thủy sản Bình Định chuẩn bị xuất cá ngừ đại dương nguyên con sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty CP Thủy sản Bình Định chuẩn bị xuất cá ngừ đại dương nguyên con sang thị trường Nhật Bản. 

Có lẽ tôm thẻ chân trắng là một trong những mặt hàng thủy sản của Việt Nam chậm hưởng lợi về giảm thuế quan khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: “Từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là mặt hàng tôm sú của Việt Nam được hưởng ngay ưu đãi giảm thuế quan xuống còn 0%, thế nhưng đối với mặt hàng tôm thẻ chân trắng, theo lộ trình thì phải 5 năm sau mới được hưởng ưu đãi này.

Trong khi doanh nghiệp chúng tôi hàng năm xuất khẩu hơn 1.000 tấn tôm sang thị trường nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Đặc thù của nghề nuôi tôm ở miền Trung là nuôi tôm thẻ chân trắng, ít diện tích nuôi tôm sú”.

Tận dụng triệt để cơ hội

Theo tâm sự của bà Cao Thị Kim Lan, thách thức đầu tiên cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ đến, các rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại thị trường châu Âu còn trùng trùng điệp điệp, do “thẻ vàng” thủy sản của EU chưa được gỡ.

Khu vực miền Trung chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khu vực miền Trung chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. 

Theo bà Lan, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Công ty CP Thủy sản Bình Định xấp xỉ 60 triệu USD; trong đó, cá ngừ đại dương chiếm đến 50 triệu USD.

Thời gian trước đây, thị trường EU chiếm tới 70% tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này, thị trường Mỹ chiếm 20% và các thị trường khác chiếm 10%. Từ khi thủy sản Việt Nam bị dính “thẻ vàng” của EU, doanh nghiệp này đã giảm xuất khẩu sang thị trường EU, chỉ còn khoảng 40%.

“Từ khi Việt Nam bị dính “thẻ vàng” thủy sản, các lô hàng thủy sản của chúng tôi xuất sang thị trường EU bị kiểm tra với tần suất tới 70 - 80%, khiến cho thời gian thông quan 1 lô hàng kéo dài tới 10 - 15 ngày, thậm chí có chuyến hàng kéo dài đến 20 ngày, chi phí đội lên đến 15 - 20%. Nếu tiếp tục xuất sang thị trường này chúng tôi sẽ gặp rất nhiều rủi ro, tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó là doanh nghiệp còn phải chịu tổn thất lớn vì đồng vốn quay vòng chậm, phát sinh thêm lãi ngân hàng”, bà Lan lý giải.

Hàng năm Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định) xuất khẩu khoảng 1.000 tấn tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hàng năm Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định) xuất khẩu khoảng 1.000 tấn tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. 

Cũng theo bà Lan, nếu lô hàng xuất sang thị trường châu Âu bị chặn lại kiểm tra thì doanh nghiệp phải gánh rất nhiều khoản chi phí, nào là phí hàng lưu kho, phí lưu container, tiền điện. Thời gian kiểm tra lâu cũng khiến khách hàng phàn nàn vì chậm nhận được hàng để phân phối cho các đầu mối.

“Nếu trong thời gian tới Việt Nam gỡ được “thẻ vàng” thủy sản, cùng với Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng tôi sẽ kết nối lại giao thương với thị trường châu Âu với tần suất cao như trước đây. Để đón đầu, chúng tôi đã đầu tư mạnh cho các chương trình quản lý chất lượng như: Chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm quốc tế công đoạn chế biến theo tiêu chuẩn BRC - VER6; chứng nhận mức độ an ninh thực phẩm toàn cầu IFS-VER6... Các tổ chức quốc tế như SGS, Nafiquaved, Vicas, Intertek đã kiểm tra và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế”, bà Cao Thị Kim Lan chia sẻ.

(Theo Vũ Đình Thung, Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 05/08/2020)