Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính tại TP Hà Nội: Kỳ 1: Hà Nội tạo chuyển biến toàn diện trong các lĩnh vực cải cách hành chính

Ngày đăng : 04/07/2020

Cùng với cả nước, trong 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, TP Hà Nội đã quyết liệt, nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo được chuyển biến rõ nét, toàn diện trong các lĩnh vực cải cách hành chính.

Cải cách thể chế được đặc biệt quan tâm

Trong giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC của TP được Thành ủy, HĐND, UBND TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba khâu đột phá. UBND TP đã tham mưu cho Thành ủy Hà Nội xây dựng thành một trong những Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ TP trong hai nhiệm kỳ qua. Chính vì vậy, công tác CCHC luôn có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất từ các cấp ủy đảng đối với chính quyền với nội dung trọng tâm về CCHC được xác định theo từng giai đoạn, từng năm phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô.  

Trong giai đoạn này, công tác cải cách thể chế đã được đặc biệt quan tâm. Công tác ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và theo dõi thi hành Luật Thủ đô đã được triển khai đồng bộ.

Từ năm 2016 đến nay, TP đã ban hành 232 văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ban, ngành tham gia góp ý, thẩm định trên 600 văn bản do các Bộ, ngành Trung ương, đoàn đại biểu Quốc hội, các Sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP lấy ý kiến. Đến nay, các VBQPPL do TP ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật. 100% các văn bản QPPL của TP cũng được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành.

Thực hiện tinh thần hỗ trợ DN khởi nghiệp, các Sở, ngành thuộc TP đã đăng tải nhiều bài giải đáp cho DN, đưa tin và trao đổi trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Riêng Sở Tư pháp đăng hơn 600 bài giải đáp lên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho DN, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn pháp luật cho hàng nghìn lượt DN.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, qua kiểm tra cho thấy, không có văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Hàng năm, TP đều ban hành Kế hoạch kiểm tra VBQPPL và tổ chức kiểm tra đúng nội dung, tiến độ của kế hoạch. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật của VBQPPL và văn bản hành chính có chứa đựng quy phạm pháp luật do cơ quan, cá nhân ban hành, từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời. Việc rà soát VBQPPL cũng luôn được chú trọng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, TP đã ban hành “Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của TP giai đoạn 2016 - 2020” theo từng lĩnh vực, ban hành danh mục VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Bên cạnh những kết quả trên, TP cũng nhận định, tiến độ sửa đổi, bổ sung các VBQPPL của TP sau kỳ rà soát VBQPPL 2014-2018 còn chậm; một số đơn vị tham mưu văn bản QPPL chưa  đảm bảo tuân thủ về trình tự thủ tục ban hành. Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản có lúc chưa chủ động, chưa đảm bảo tiến độ; thiếu thời gian chuẩn bị ảnh hưởng đến công tác góp ý, thẩm định. Việc tổ chức lấy ý kiến từ nhân dân, thu hút các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến, tổ chức đánh giá tác động của văn bản trong công tác xây dựng VBQPPL chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa quận Long Biên.  Ảnh: Phương Thảo

Tổ chức bộ máy: Kiện toàn, sắp xếp lớn nhất

Bên cạnh chú trọng cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy cũng được TP Hà Nội thực hiện quyết liệt, hệ thống, khoa học trong suốt giai đoạn này. Đặc biệt, từ năm 2016, TP tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.

Cụ thể, TP đã thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22/22 Sở và tương đương; sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban và giảm 6 phòng so với qui định; hoàn thành sắp xếp 70 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển TP; hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện; sáp nhập Trung tâm sát hạch để cấp phép lái xe trực thuộc Sở GTVT vào TCty Vận tải Hà Nội; chuyển 5 trường Trung cấp chuyên nghiệp và chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ-TB&XH quản lý Nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

TP cũng thực hiện giải thể cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP; thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; tổ chức lại Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế; thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội và thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Đến nay, UBND TP đã chuyển 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 13.665 biên chế hưởng lương ngân sách.

Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP đã tiến hành sáp nhập và ra mắt đơn vị hành chính: phường Nguyễn Du, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), xã Sen Phương, xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ), xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên). Như vậy, đến nay, toàn TP có 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.

Hiện, TP đã lập danh mục VBQPPL đối với 399 văn bản của HĐND, UBND TP còn hiệu lực thi hành, xác định 19 VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần. Đồng thời, cập nhật 1.991 văn bản còn hiệu lực vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, trong đó có 1.500 văn bản do HĐND, UBND TP ban hành từ năm 1998 đến năm 2019.

(Theo Báo Pháp luật & xã hội - Ngày 04/7/2020).