Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Để không bỏ lỡ cơ hội từ CPTPP

Ngày đăng : 24/07/2020

Hơn một năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bước đầu mang lại kết quả tích cực cho hoạt động ngoại thương. Song, cơ hội vẫn chưa được tận dụng hết.

Trái vải Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản.

Xuất khẩu tăng chưa xứng với tiềm năng

Để góp phần thúc đẩy hơn nữa cơ hội thâm nhập thị trường cho sầu riêng Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Australia xúc tiến chương trình quảng bá Tuần lễ sầu riêng với quà tặng hấp dẫn: Mua sầu riêng trúng thưởng nông sản cao cấp Việt Nam. Ý nghĩa của đợt quảng bá nhằm kết hợp giới thiệu đa dạng nông sản chất lượng cao của Việt Nam với thị trường Australia, mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác nhau. Sau khi Tuần lễ sầu riêng kết thúc, Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành với một đơn vị nhập khẩu khác tại Thành phố Perth của bang Tây Australia triển khai chương trình xúc tiến cho một lô hàng sầu riêng Việt Nam mang thương hiệu AAA, dự kiến sẽ có mặt tại bang này vào đầu tháng 8 tới.

Sự kiện trên là một trong những chương trình xúc tiến thương mại được các đơn vị tổ chức nhằm đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào Australia, một trong những thị trường tiềm năng thuộc khối CPTPP. Sau hơn một năm có hiệu lực, CPTPP đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu đáng khích lệ khi góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ Công thương, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%... Tuy mức tăng trưởng chưa quá cao, song nếu đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thì kết quả này là tương đối lạc quan.

Trước đó, năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ một năm, kim ngạch xuất khẩu của ta với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là hai thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%. Nếu như các năm trước, với tổng thể thị trường CPTPP, ta nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD/năm thì sang năm 2019, năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, cả nước đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang khối thị trường này. Kết quả xuất siêu tiếp tục được duy trì đến nửa đầu năm 2020 với nhiều thị trường trong khối như Canada, Mexico, Peru…

Tăng cơ hội thị trường

“CPTPP là hiệp định phức tạp nhất mà chúng tôi từng đàm phán, thậm chí có một số điểm trong CPTPP còn phức tạp hơn cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Do đó, nếu doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế từ hiệp định này thì rất đáng tiếc”, ông Khanh nói.

Do đó, doanh nghiệp dệt may cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc cùng doanh nghiệp của ngành nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, đặc biệt là ở khâu dệt nhuộm, khâu còn rất nhiều vướng mắc khi nhiều địa phương từ chối các dự án dệt nhuộm vì những lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Thực tế, cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP đang rất lớn khi vụ vải 2020, Nhật Bản đã chính thức mở cửa cho loại quả này của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày 22-6, UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức Lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Nếu như người tiêu dùng Australia đã quen với trái xoài Việt Nam từ vài năm gần đây thì đây là năm đầu tiên trái xoài được cấp phép sang Canada. Đây cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong khối CPTPP. Cùng với đó, sầu riêng Việt Nam cũng bắt đầu chinh phục thị trường Australia. Những cơ hội này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP thời gian tới.

(Theo Hà Anh, Báo Nhân Dân, ngày 24/07/2020)