Chiều 30-12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Dẫu chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành kinh tế xanh Hà Nội vẫn vững vàng, hiên ngang, kiên gan, không ngừng sáng tạo trong gian khó, nỗ lực vươn lên và phục hồi mạnh mẽ. Hà Nội có khi muốn tự giấu mình, im lặng mà vẫn âm vang, muốn xa lạ mà thân thuộc, muốn bị lãng quên mà vẫn hiện diện thật đậm sâu và đầy mê hoặc. Ngay cả với vợ chồng chị Nathalie Rykiel, anh Tiberghien Frederec đến từ Pháp, những du khách có máu xê dịch, đã khám phá, trải nghiệm hơn 80 quốc gia trên thế giới, cũng “phải lòng” Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên.
đã
Đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) nối sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân phẳng lì, rộng và thoáng đãng. Dải phân cách giữa rộng, được phủ kín năm tầng cây xanh, hoa dâm bụt, tường vi… đua nhau khoe sắc. Vỉa hè hai bên đường là những hàng cây xanh mướt đều tăm tắp tỏa bóng mát. Nắng xiên những tia vàng óng ánh như tơ trời qua tán cây rớt xuống mặt đường lấp lánh. Cầu Nhật Tân rộng, dài, cong nhẹ nâng 5 trụ tháp kết nối các nhịp dây văng hiện đại.
“Hà Nội cũng có con đường và cây cầu tuyệt đẹp thế này ư! Tôi đã chuẩn bị tâm thế trải nghiệm một thành phố với giao thông lộn xộn, tắc đường và khói bụi mịt mù cơ đấy. Thật tuyệt vời và bất ngờ!”, chị Nathalie Rykiel và anh Tiberghien Frederec thốt lên.
Cầu Nhật Tân.
Anh Tiberghien Frederec nén nắp phin, nhìn chằm chằm vào từng giọt cà phê nhỏ xuống và nhận định:“Cà phê phin Việt Nam là một phát minh tuyệt vời. Nó giản đơn và giản dị”. Rồi anh thêm chút sữa đặc, ngoáy cho tan, nhấp một ngụm, thêm ngụm nữa và ngụm nữa. “Ồ! một vị cà phê đậm đặc và ngon đến mê mẩn. Đợi chờ, kiên nhẫn và tận hưởng sự chậm rãi thật đáng quý biết bao!”, anh trầm trồ.
Nhìn ngắm con phố, hai vị khách từ phương xa đều kinh ngạc, choáng ngợp với những cảnh tượng mà họ ví như “đang lạc vào một hành tinh khác lạ”. Đường ray tàu hỏa cách chỗ họ ngồi chỉ hơn một mét. Hai bên đường là nhà cửa cũ kỹ san sát nhau. Người dân vẫn sống và sinh hoạt bình thường. Khách du lịch đi lại chụp ảnh. Một anh Tây nằm sấp dài trên đường ray ép mặt xuống tạo dáng độc đáo cho bạn ghi lại khoảnh khắc ấn tượng.
Mọi người đều sẵn sàng máy ảnh, điện thoại, chờ đợi đoàn tàu rầm rập chạy qua. Những du khách nước ngoài, trong đó có cả anh Tiberghien Frederec hào hứng livestream và không thôi xuýt xoa kinh ngạc: “Thật mới lạ. Thật khó tin vượt ngoài sức tưởng tượng. Tôi cảm giác đang được khám phá một hành tinh khác vậy!”.
Trái ngược với nhịp sôi động của khu phố đường tàu, Hoàng thành Thăng Long trầm mặc, tĩnh lặng. Hai du khách Pháp dừng lại chiêm ngưỡng những hiện vật tiêu biểu, độc đáo tại phòng trưng bày “Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” rất lâu.
Từ viên gạch vuông in đôi cá sấu thời Đại La; gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên thời Đinh - Tiền Lê; vật liệu trang trí đầu rồng, chiếc bát gốm trắng xương mỏng ngự dụng thời Lê Sơ, đến lá đề trên cung điện thời Lý… dường như đều biết kể chuyện ngàn năm.
Từng khám phá hơn 80 quốc gia trên thế giới, chị Nathalie Rykiel thốt lên: “Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu hiếm nơi nào có được. Đây là di sản có quá trình lịch sử lâu dài nhất khu vực châu Á”.
Thật vậy, dẫu không còn giữ được dáng vẻ nguy nga, lộng lẫy, bởi bao biến thiên của thời gian và thăng trầm lịch sử, nhưng Hoàng cung Thăng Long vẫn hiện lên lung linh, độc đáo qua các di vật cùng những dấu tích kiến trúc và tầng văn hóa qua các thời kỳ xếp chồng lên nhau trải dài suốt 13 thế kỷ.
Rời khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu lúc 12h30, cặp đôi đã đói bụng, nhưng họ vẫn đi bộ check-in di tích Bắc Môn, cổng thành duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, trước khi lên taxi ăn trưa tại phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Tại đây, cả hai gọi bún chả và lập tức bị mê hoặc bởi món ăn “thần thánh” này. “Từng sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng. Thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị lưu luyến mãi chẳng thể nào quên”, chị Nathalie Rykiel miêu tả như một chuyên gia ẩm thực.
Món bún chả (ảnh trái) và bún thang Hà Nội (ảnh phải).
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành thương hiệu, điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô.
Còn anh Tiberghien Frederec không khỏi ngạc nhiên vì người Việt rất thân thiện: “Người thì mỉm cười, người thì gật đầu, người vẫy tay nói “hello”, có bạn thanh niên hỏi chuyện: “Where are you from?” và bắt tay tôi… Tôi cảm giác họ còn thân thiện và thân thiết hơn cả những người tôi quen ở Paris - quê hương tôi”, anh Tiberghien Frederec thổ lộ.
Nhà thờ Lớn với kiến trúc cổ kính, uy nghiêm vốn là điểm check-in nổi tiếng tại Hà Nội.
Một góc khu phố cổ Hà Nội.
Dừng chân trước cửa Nhà tù Hỏa Lò để tham gia tour đêm, anh Tiberghien Frederec nhận xét: “Kiến trúc Hà Nội cổ kính và thật đẹp. Tôi có thể cảm nhận linh hồn của thành phố trong từng ngõ ngách. Tôi kinh ngạc trước các cảnh quan thường nhật của cuộc sống và tôi tìm thấy những nét đẹp trong những thứ giản dị nhất. Hà Nội có rất nhiều cây xanh, nhiều hồ, có những va chạm Đông - Tây, một chốn tràn ngập cảnh hài hòa của những con phố cổ kính, tựa như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn. Hà Nội có “chất riêng” và rất có hồn”.
Tour đêm tại Nhà tù Hoả Lò mang đến nhiều xúc cảm cho du khách.
“Khung cảnh thật lung linh, nhộn nhịp. Chúng tôi đã mua rất nhiều bưu thiếp nổi với những công trình biểu tượng của Hà Nội”, nữ du khách Pháp cười tít mắt.
“Sự náo nhiệt ở đây khiến tôi thực sự bất ngờ. Dường như, không còn chút bóng dáng nào của Covid-19 nữa!”, anh Tiberghien Frederec cảm thấy đã đi từ hết bất ngờ này tới sửng sốt khác chỉ trong chưa đầy 24 giờ, tại Hà Nội.
Du khách chọn mua quà lưu niệm tại chợ đêm Hàng Đào.
Không chỉ vậy, có lẽ đây là nơi nhộn nhịp nhất thành phố vào ban đêm. Lao động ở chợ nông sản Long Biên chủ yếu là phụ nữ, hai du khách Pháp bị cuốn theo bước chân của những người phụ nữ gánh hàng rong.
Ánh đèn điện chiếu sáng từng gian hoa quả, tiếng bốc vác hàng đêm khuya, tiếng cười nói râm ran tạo nên một “đời sống chợ đêm” đầy quyến rũ, tuy tất bật, nhưng đầy hào sảng của những người lao động bình dị. Những điều ít khi người ta cảm nhận được giữa phố thị tấp nập này. Rất dễ để nhận ra những người phụ nữ làm nghề bốc vác thuê ở đây. Thân hình gầy gò những bộ quần áo lao động cũ, lúc nào cũng kè kè bên mình những chiếc áo mưa, nón rách. Họ luôn sẵn sàng cho những đêm không ngủ để mưu sinh.
Hoàng hôn bên cầu Long Biên.
Không để lỡ thời gian, hai vị khách đam mê khám phá tiếp tục đến chợ hoa Quảng An trên đường Nghi Tàm để ngắm đủ loại hoa xinh đẹp như: Cúc, ly, hồng nhung, tuy líp, thanh liễu… Trong ánh đèn điện sáng rực, tiếng chào mời của người bán, tiếng kỳ kèo trả giá của người mua và tiếng xe ra vào lấy hoa khiến người ta ngỡ rằng Hà Nội không biết ngủ.
“Khu chợ giản dị mà đẹp xao xuyến mê lòng”, chị Nathalie Rykiel lại thốt lên khi bị níu chân khá lâu tại đây. Quả thực, nơi đây trở thành chợ hoa tươi đầu mối lớn nhất của miền Bắc. Mùa nào hoa nấy, chợ hoa Quảng An cứ rực rỡ tỏa hương suốt bốn mùa Hà Nội.
“Nếu bạn bè tôi đến Hà Nội và chẳng thể ngủ, tôi có thể thúc họ bước ra ngoài phố để nghe tiếng đêm Hà Nội thở, để thấy một Hà Nội trong dáng vẻ trầm tĩnh xưa cũ. Ở trong những đêm đó, có sự lặng lẽ bình dị, có chân thực trong cuộc sống mưu sinh”, chị Nathalie Rykiel khẳng định chắc nịch.
Rồi anh chợt hỏi: “Đêm mai, nếu không muốn ngủ thì sẽ đi đâu? Làm gì? Câu hỏi không tìm được lời giải đáp“ưng cái bụng” cặp đôi có máu khám phá này. Show Tinh hoa Bắc Bộ ư? Không đúng ngày diễn vì mai là thứ Hai. Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ư? Họ đã khám phá khu di tích này vào ban ngày rồi!...
Thế nên, ngày thứ hai ở Việt Nam, sau khi khám phá các làng nghề Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và gốm Bát Tràng, cặp đôi quyết định di chuyển tới Vịnh Hạ Long. Họ mang theo cảm giác tiếc nuối.