Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Vằng vặc Sao Khuê giữa lòng Hà Nội

Ngày đăng : 24/04/2017

Trên thế giới, nhiều nước đã chọn những công trình kiến trúc làm biểu tượng cho thủ đô hoặc cho đất nước mình. Chẳng hạn, nói đến thủ đô Paris (Pháp), người ta sẽ nghĩ ngay tới tháp Eiffel; ngược lại, nói đến tháp Eiffel, người ra biết ngay đó là biểu tượng của Paris. Nói đến tượng Nữ thần Tự do là biết ngay nó là của nước Mỹ, nói đến Italia là phải nhắc đến tháp nghiêng Pisa… Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, với hệ thống di tích kiến trúc dày đặc cũng đã chọn cho mình một biểu tượng mới.

Ngày nay, so với nhiều di tích, hình tượng tiêu biểu khác, được nhiều học giả nhắc đến như chùa Một Cột, Rồng bay, Tháp Rùa - hồ Hoàn Kiếm… và thậm chí là cả Cột cờ Hà Nội, Khuê Văn Các có lợi điểm không thể bỏ qua khi xét công nhận biểu tượng chính thức của Hà Nội. Công trình kiến trúc ấy chuyên chở một câu chuyện lịch sử rõ tính nhân văn, lại nằm trong một quần thể di tích đặc biệt quan trọng là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Gác Khuê Văn soi bóng giếng Thiên Quang, phân tích kỹ thấy rõ ý nghĩa nhân văn, rõ tính triết học, gần gũi với Thăng Long - Hà Nội. Như một số nhà nghiên cứu đã giải thích: "Khuê Văn Các có 2 tầng 8 mái, tượng trưng cho Thái cực. Tầng mái trên, nhẹ, mang tính dương. Lớp mái dưới nặng, là âm. Âm dương đối đãi gọi là "Lưỡng nghi", 4 phía mái coi là "Tứ tượng". Tám mái tượng trưng cho bát quái. Khuê Văn Các không chỉ nói đến sự trong sáng của nhà Nho hay tượng trưng cho sao Khuê - sao chủ văn học, mà còn mang ý nghĩa phát sinh, phát triển của vũ trụ, sự tạo lập thế giới nhân sinh.

Giếng Thiên Quang ngay dưới chân Khuê Văn Các cũng mang yếu tố âm dương đối đãi: "giếng nước ở thấp, là âm; Khuê Văn Các cao, là dương. Nước hấp thụ ánh sáng trời còn Khuê Văn Các rêu phong, đó là vấn đề mang ý nghĩa triết học". Ấy là chưa kể những câu chuyện trà dư tửu hậu còn lưu ý một điều quan trọng - ngày càng có ý nghĩa lớn hơn trong đời sống xã hội hiện đại, rằng Khuê Văn Các  là công trình kiến trúc thuần Việt trăm phần trăm.

Khuê Văn Các, dù mới được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX nhưng nó nằm trong quần thể di tích điển hình của Hà Nội, mang nhiều tầng ý nghĩa, vừa là biểu tượng cho văn hóa, nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn, vừa khẳng định triết lý dụng nhân, tôn trọng hiền tài của ông cha. Khái quát hơn, Khuê Văn Các phác họa nét thanh lịch, hào hoa, nho nhã của người Hà Nội. Khuê Văn Các biểu trưng cho giáo dục, trí tuệ, giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long- Hà Nội, đi vào tâm thức của người Hà Nội nhiều thế hệ, xứng đáng trở thành biểu tượng của Hà Nội. Về mặt kiến trúc, Khuê Văn Các tuy không hoành tráng nhưng lại hài hòa với quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phù hợp với quan niệm về cái đẹp của người Việt, đó là cái đẹp cân đối, hài hòa.

Khuê Văn Các là biểu tượng đỉnh cao của trí tuệ, là sự khái quát, sự khẳng định chân lý "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nên nhìn vào đó, mỗi con người dường như thấy mình cần phải có trách nhiệm trau dồi kiến thức, trí tuệ, văn hóa để gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại.

Đón nhận thông tin Khuê Văn Các chính thức trở thành biểu tượng của Thủ đô, ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vui mừng chia sẻ: "Vậy là từ nay, ngành du lịch Thủ đô đã có sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu. Nếu khai thác tốt thì giá trị của biểu tượng Khuê Văn Các sẽ lan tỏa, thẩm thấu trong mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế". Ông cũng cho rằng: Để có thể khai thác giá trị của biểu tượng, trước mắt Hà Nội cần diễn giải cho rõ các tầng ý nghĩa của Khuê Văn Các, rồi tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng với các tầng ý nghĩa đó.

Đề cao giá trị di tích Khuê Văn Các, GS Đinh Xuân Lâm cho rằng, thành phố Hà Nội phải giữ gìn, bảo vệ công trình kiến trúc độc đáo này bằng mọi giá. Việc tu sửa, tôn tạo được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm tránh những hư hại không đáng có.

Theo bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, gác Khuê Văn là công trình kiến trúc gỗ ngoài trời nên không tránh khỏi sự xuống cấp, hư hại. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có kế hoạch kiểm tra, đánh giá lại các cấu kiện để lập dự án tu bổ.

Song song với công tác tu bổ di tích, các nhà văn hóa và khoa học cũng bày tỏ mong muốn, Hà Nội tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá giá trị, ý nghĩa ẩn chứa trong biểu tượng Khuê Văn Các đến các tầng lớp nhân dân.

Tương lai, Hà Nội nên hình thành các hoạt động du lịch, sinh hoạt văn hóa liên quan mật thiết đến ý nghĩa của biểu tượng tại một số điểm đến, nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. "Làm được như vậy, tôi tin Khuê Văn Các không chỉ là hình ảnh biểu tượng của Thủ đô, mà còn là biểu tượng văn hóa trong lòng người dân nước Việt" - ông Hà Văn Siêu nói.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 phần với các kiến trúc khác nhau. Mỗi phần được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học.

Khuê Văn Các là cổng thứ ba của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng vào năm 1805. Khuê Văn Các được ví như một viên ngọc trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và gần đây đã được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Ban đầu Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn Các hoàn toàn bằng gỗ, quy cách thanh thoát, rộng, đẹp, xứng đáng là một nét điểm tô của cố đô Thăng Long nghìn năm văn hiến. Công trình được làm xong tháng 7 năm Gia Long thứ 4 (8-1805).

Đến khoảng niên hiệu Minh Mệnh, Tổng đốc Đặng Văn Hòa nhận thấy cột gỗ dễ bị mối mọt đã cho thay như hiện nay. Phần mái của Khuê Văn Các cũng được ông cho lợp lại bằng ngói ống. Khuê Văn Các là một lầu vuông 8 mái, mỗi bề có chiều dài là 6,8m, kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo, dựng trên 4 trụ gạch. Khuê Văn Các (gác Khuê Văn) được làm bằng gỗ 2 tầng, mái lợp ngói ống, trang trí 4 góc bằng các biểu tượng với chất liệu là đất nung. Sàn gỗ có chừa một lối để bắc thang lên gác. Bốn cạnh có diềm gỗ chạm trổ tinh vi, xung quanh là lan can con tiện. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn, xung quanh có những thanh gỗ con tiện tỏa ra tượng trưng cho các tia sáng của sao Khuê. Trên gác treo biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ “Khuê Văn Các”. Mỗi mặt tường gỗ phía trong Khuê Văn Các đều chạm một đôi câu đối chữ Hán, thiếp vàn.

Về ý nghĩa các phần kiến trúc và tên đặt của Khuê Văn Các có thể hiểu như sau: Theo Kinh dịch, những con số lẻ (1,3,5,7,9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, có thêm một nóc ở trên là 9. Số 9 là cửu trù, số cực dương. “Khuê Văn” theo cách lý giải truyền thống về thiên thể thì Khuê là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao sắp xếp giống hình chữ Văn (của chữ Hán).

Trong sách Hiếu kinh có ghi: “Khuê chủ văn chương”- tức Khuê tượng trưng cho Văn Chương. Về sau người ta còn coi “Khuê” là người đứng đầu của quan văn. Khuê Văn Các cùng với hai cửa phụ là Bí Văn và Súc Văn ở bức tường tiếp giáp với khu vực giếng Thiên Quang và bia Tiến sĩ. Bí Văn, với ý nói văn chương trau chuốt sáng sủa, có sức truyền cảm thuyết phục lòng người. Súc Văn, với ý nói văn chương hàm súc phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp của tâm hồn. Những kiến trúc này xinh xắn, giản dị, tao nhã, cùng với những cây cổ thụ in bóng xuống giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh, còn được gọi là Văn Trì) cũng tạo nên bức tranh đầy ý nghĩa. Thiên quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng là có ý rằng con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ để soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Người xưa có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.

(Theo Sở Du lịch Hà Nội, ngày 23/09/2015)