Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Dương lịch, không khí mua sắm càng trở nên sôi động với hàng loạt chương trình khuyến mãi. Đây là cơ hội để người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chất lượng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cuối năm.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Thời xưa, vùng Kẻ Bưởi cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thành một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ.
Nghề giấy Kẻ Bưởi
Tên gọi Kẻ Bưởi đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát phát triển của kinh thành Thăng Long xưa, trở thành một phần đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Kẻ Bưởi có từ bao giờ và có những đặc trưng nổi bật như thế nào? Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ giải thích về nguồn gốc tên gọi Kẻ Bưởi cùng những tích dân gian ý nghĩa vẫn được lưu truyền đến ngày nay:
“Hồ Tây có 1 vùng gọi là vùng Bưởi, gồm hơn 10 làng như Nghĩa Đô, Bái Ân, Yên Thái, Trích Sài, Đông Xã… Tại sao gọi là vùng Bưởi? Cũng có 2 giả thiết. Vùng Bưởi ngày xưa nằm ở ngã ba 2 sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Sông Thiên Phù đã lấp từ lâu rồi còn sông Tô Lịch hiện nay cũng chỉ còn như 1 lạch nước.
Ngày xưa, khi sông Hồng còn nối với hồ Tây thì truyền thuyết cho rằng Bưởi ở vùng Phú Thọ, Đoan Hùng rụng xuống sông, trôi theo sông Hồng chảy qua hồ Tây ra đến sông Thiên Phù và Tô Lịch thì dừng lại tại đây, người dân vùng này vớt lên ăn và bán nữa nên có tên là vùng Bưởi.
Còn giả thiết khác cho rằng sở dĩ gọi là vùng bưởi bởi vì ở đây bán rất nhiều bưởi và bòng. Tuy nhiên tên Nôm này dù là xuất xứ như thế nào thì nó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và chắc chắn nó sẽ còn mãi vì đó là địa danh nổi tiếng ở Hà Nội nói riêng và vùng nam hồ Tây.
Còn giấy thì ở vùng Bưởi, tức là bao gồm cả Yên Thái, Võng Thị, Bái Ân…thì người ta cũng gọi chung là giấy Bưởi. Nhưng giấy Bưởi từng làng lại có những sản phẩm riêng, như có làng thi làm giấy moi, có làng làm giấy bản, có làng như Yên Thái thì làm giấy sắc, tức là người ta mua giấy thô về rồi cán lại , phủ nhũ lên rồi người ta vẽ rồng để chuyên cung cấp cho triều đình để ra các sắc phong. Tức giấy ở vùng Bưởi rất đa dạng.
Tuy nhiên có thực tế là tất cả những người làm giấy công nhận nghề giấy là nghề rất vất vả nhưng hầu như không có ai giàu có, vì thứ nhất là họ thiếu vốn, thứ 2 nữa là làm giấy vẫn là lấy công làm lãi…
Vì thế cho nên, làng Yên Thái, Võng Thị, Bái Ân, Trích Sài.. hay kể cả vùng làng Nghĩa Đô thì vẫn là vùng nghèo. Nghèo cho đến tận sau này.”
Vùng Kẻ Bưởi xưa có nhiều nghề truyền thống, nổi tiếng nhất là dệt lĩnh và làm giấy dó. Trong những câu chuyện về vùng gọi là Kẻ Bưởi xưa, không thể không nhắc đến nghề làm giấy dó của làng Yên Thái, ở phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội.
Nghề làm giấy dó có ở vùng này từ khá lâu, trở nên nổi tiếng và đi vào ca dao thành một nét đặc trưng cho các làng nghề ở của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Thời xưa, có lẽ làng nghề này đã cung cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thành một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ. Âm thanh tiếng chày khua trong đêm đã đi vào ca dao:
“Ở đây cả làng người ta đều làm, từ lâu lắm rồi, hàng thế kỷ, nhưng năm 90 là giải tán hết. Đầu tiên là hộ gia đình sau đó cải cách ruộng đất đi vào hợp tác xã, giấy bản để làm pháo, sau cấm pháo chả ai mua giấy nữa.”
“ Sáng ngày ra cứ 5 giờ ngồi xem, thích thì bảo họ cũng cho xúc, cho seo giấy như này, cũng bóc giấy. Nghề giấy ngày xưa vất vả lắm, nắng nôi là cũng phải tranh thủ bóc giấy, phơi giấy rồi về lột xong mới đóng vào rồi xuất đi, cũng vất vả, mưa lại khổ, giời rét cũng khổ.”
Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái xưa cũng đã khá phức tạp, nó đòi hỏi từng loại thợ ở từng công việc cụ thể phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Sự chuyên môn hóa ấy còn chịu sự chi phối bởi mục đích sản xuất, sản lượng và chất lượng giấy theo yêu cầu.
Có lẽ vì thế mà các làng kẻ Bưởi đã trở thành một phường nghề phát triển cho đến tận thế kỷ 19, khi mà các loại chế bản với phương thức in mới không còn phù hợp với loại giấy cũ.
Từ những công đoạn đầu tiên là bóc, giã vỏ cây dó, cho đến các công đoạn phức tạp hơn như nấu, lọc, seo giấy đều cần những người thợ lành nghề. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, HN cho biết:
“Ở đây tiếng địa phương nó gọi là tàu seo, có cái bể xi măng dài , bề ngang mét rưỡi, chiều dài 3 mét. Cho bột giấy vào đấy, xong người ta lấy 2 cái gậy đứng ở hai bên sườn, đánh tơi bột giấy ra, xong dùng cái liềm gọi là liềm trúc xúc lên làm thành những tờ giấy đó.
Người ta làm thành từng sấp một, xong hết bể giấy đó thì người ta cho ra cái đòn bẩy . Mình thì gọi là đòn bẩy nhưng ở đây người ta gọi là ép, uốn. Tiếng phong tục gọi là ép uốn, người ta lấy một cây xoan , xỏ vào gốc cây, đục lỗ ở gốc cây, có những cái cần, đặt lên cái mớ gọi là mớ uốn nó, trên có một tấm ván, đuôi cây xoan xếp dần từng hòn đá để vít cần, nén giấy, thoát nước, bao giờ nó khô kiệt ra người ta nén ra bóc từng tờ giấy một. Xong người ta can lên cái bồi nhưng mà mình bây giờ gọi là cái lò sấy.”
Sản xuất giấy cần rất nhiều nước, mà phải là nước sạch để ngâm, đãi, nấu dó. Bột dó phải nấu qua lửa mới thành giấy. Trước kia, lò nấu dó đắp bên sông Tô, miệng lò đặt chiếc vạc, vỏ dó được đun cách thủy trong vạc. Khi vỏ dó chín, người ta vớt ra và đem ngâm vôi.
Sau đó bóc hết lần vỏ đen bỏ đi, phần vỏ dó còn lại có màu trắng muốt, được đem giã nhuyễn bằng cối lớn, chày tay. Thanh niên giã dó cả ngày lẫn đêm; giã trong nhiều ngày đêm mới đủ bột dó để sản xuất.
Giấy Yên Thái dùng lò sấy là chủ yếu, ít khi phải đem phơi. Do đó dù trời mưa vẫn không ảnh hưởng đáng kể đến công việc, giấy vẫn được sấy khô như thường. Lò sấy giấy đã xuất hiện ở Yên Thái từ mấy trăm năm trước đây.
Vất vả vậy mà, không ít người đến nay khi nói về một thời tiếng chày Yên Thái vang vọng đêm Hà Thành, vẫn không khỏi ngậm ngùi. Họ vẫn tiếc vì đã mất đi một vùng nghề truyền thống. Cái vất vả ấy vẫn được người ta tự hào. Sản phẩm truyền thống của Yên Thái chủ yếu là giấy bản để in sách và viết chữ nho và giấy dó để in tranh dân gian.
Trước kia phố Hàng Giấy chuyên bán đủ các thứ giấy của vùng Bưởi sản xuất và cũng đã từng làm hài lòng biết bao văn nhân, tài tử từ khắp các xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc qua xứ Nghệ vào tận lục tỉnh phía Nam. Ngoài ra, thợ giấy Yên Thái cũng sản xuất loại giấy moi, giấy phèn bằng nguyên liệu xấu hơn, mặt giấy thô ráp dùng để gói hàng.
Ngày nay do công nghệ sản xuất giấy hiện đại đã làm cho nghề làm giấy dó cổ truyền của làng Yên Thái vẫn còn trong tâm tưởng của nhiều người trong làng như một chứng tích về một vùng quê với nghề giấy dó từng nổi tiếng khi xưa.
“Ngày xưa nó có câu thơ về Hồ Tây gắn với tiếng chày Yên Thái, tiếng chày là tiếng giã gió là tiếng chày giã gió để làm giấy gọi là giấy gió trong cung đình hay viết sớ. Cứ tầm 4 giờ sáng, tiếng gà sang canh thì người ta dậy người ta làm. Cho nên câu thơ đó xuất phát từ nghề làm giấy cổ truyền. Có đình thờ thành hoàng và ông tổ nghề giấy cách đây 500 năm. Nghề giấy có khoảng 500 năm nhưng đến năm 1990 thì nó bị phá sản. Bây giờ không còn ai làm nữa”.
Ai ơi! Ðứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa...
Đó là câu ca dao làng nghề mà trẻ con vùng Kẻ Bưởi ngày ngày đã thường hò hát từ thuở lên mười. Thời ấy, cả vùng Bưởi xuống đến Cầu Giấy, Cót đều làm nghề giấy, phổ biến nhất là giấy bản, còn dùng cho việc học, giấy dùng cho công sở "việc quan".
Nghề làm giấy sắc, tên gốc là giấy dó vốn là nghề cổ của dân tộc Dao ở miền núi Việt Bắc và Ðông Bắc nước ta, đến bây giờ vẫn còn. Vỏ dó giã nhừ, bóc lấy phần ruột quẩy ra cối giã dó. Âm thanh tiếng chày khua trong đêm đã đi vào ca dao đó là những tiếng ngày đêm vang động từ Nghĩa Ðô sang Yên Thái đến Hồ Khẩu ven Hồ Tây.
Nghề làm giấy làng Bưởi có từ xa xưa, danh nhân Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: "Phường Yên Thái, huyện Quảng Ðức làm giấy". Làng Hồ Khẩu, làng An Thái làm giấy bản, làng Ðông Xã làm giấy quỳ, làng Nghĩa Ðô làm giấy sắc. Trong bài "Phú Tụng Tây Hồ" Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn cũng nói về nghề làm giấy rất thơ:
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Từ cây cỏ, trong môi trường nước và lửa, từng tờ giấy lụa mỏng manh đã ra đời để rồi lưu lại biết bao dấu tích, nét bút tài hoa của những Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Ðoàn Thị Ðiểm... Và hình ảnh cô gái làm giấy vất vả cũng đã trở thành một hình tượng văn học hết sức đẹp đẽ duyên dáng:
Người ta bán vạn buôn ngàn
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Vì em làm giấy cho người chép thơ.
Người làng nghề truyền lại rằng, khi xưa con gái Bưởi ra ngoài đường không dám mặc áo cộc tay, bởi vì khi sàng giấy, các cô phải tỳ hai tay vào thành bể, nên bị xây xát thành chai, thành sẹo. Con trai ra ngoài đường, người ta biết ngay là trai Bưởi, vì anh nào đi cũng hơi vẹo một bên. Chẳng là khi gánh nguyên vật liệu làm giấy ở dưới thuyền lên, chỉ bằng một bên vai. Cái vất vả này cũng đã đi vào ca dao:
Giã nay rồi lại giã mai
Ðôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày...
Xeo đêm rồi lại xeo ngày
Ðôi tay tê buốt vì mày giấy ơi!
Những câu ca đã không chỉ gói ghém tất cả thông tin về những làng nghề thủ công nổi tiếng trên đất Kinh kỳ xưa, mà qua đó toát lên rõ nét cái khéo léo, giỏi giang; sự chịu thương chịu khó cùng phẩm chất kín đáo, ý nhị của người làng nghề trên đất Tràng An thanh lịch.
Sản phẩm giấy truyền thống của làng Bưởi chủ yếu là giấy bản để in sách và viết chữ nho và giấy dó để in tranh dân gian. Ngoài ra, thợ giấy Yên Thái cũng sản xuất loại giấy moi, giấy phèn bằng nguyên liệu xấu hơn.
Làng Bưởi vẫn còn đó. Nhưng nghề làm giấy dó cổ truyền không còn nhộn nhịp nữa. Tuy nhiên người làng Bưởi vẫn đang nung nấu một quyết tâm phục hồi nghề giấy, làm ra những sản phẩm độc đáo, và đẹp cho đời.
(Theo Kênh VOV giao thông, 11/7/2018)