Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Nghề dệt lĩnh Kẻ Bưởi: Chuyện thời Lý Công Uẩn

Ngày đăng : 16/07/2018

Lĩnh Bưởi là một mặt hàng dệt độc đáo ở kinh thành Thăng Long xưa với tuổi đời trải dài khoảng 10 thế kỷ.

Suốt chiều dài lịch sử hơn một ngàn năm lịch sử của mình, Hà Nội không chỉ là mảnh đất văn hiến, hội tụ những tinh hoa văn hóa mà còn là vùng đất của nhiều làng nghề thủ công độc đáo. Bởi vậy, Thăng Long - Hà Nội còn nổi tiếng là: “Khéo tay hay nghề - đất lề Kẻ Chợ”.

Nhiều ngôi làng cổ nằm bên hồ Tây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều di tích có giá trị của đất Thăng Long mà còn nổi tiếng với nghề dệt lĩnh có lịch sử ngàn năm tuổi. Lĩnh hoa nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ người dân Kinh thành Thăng Long mà còn xuất đi nhiều nước trên thế giới và đi vào câu ca dao quen thuộc:

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn"

Câu chuyện về nghề dệt lĩnh ở làng Bưởi gắn liền với truyền thuyết về bà Phan Thị Ngọc Đô, vốn là một cung nữ gốc Chàm sống dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nhà Vua cho bà cùng 24 thị tì ra ở thôn Trích Sài lập trang Thiên Niên. Bà đã đem kỹ thuật dệt lĩnh của người Chàm truyền lại cho dân làng, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó dân làng có thêm nghề mới làm kế sinh nhai.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành nghề dệt lĩnh tại làng Bưởi:

"Tại sao người ta gọi là Kẻ Bưởi thì thực ra cả vùng Bái Đính, nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị.. thì người ta đều gọi là Kẻ Bưởi. Kẻ Bưởi rất rộng, là tên chung của vùng này chứ không riêng cho một khu vực nào. Vùng Bưởi này có 1 sự tích là khi mà Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra định đô ở Thăng Long thì chỉ 1 năm sau, năm 1011, ngài đi thuyền rồng lên vùng Bưởi chơi và ngài rất ngạc nhiên là ở ngã 3 bến Giang Tân, người dân ra chào đón rất đông và căng 1 tấm lĩnh có hình rồng.

Lý Công Uẩn rất ngạc nhiên hỏi tại sao thì người dân thưa rằng, xóm Dâu có nghề dệt lĩnh rất nổi tiếng và làng Nghè có nghề làm giấy sắc nên có nhiều người giỏi vẽ được hình rồng nên tấm lĩnh căng ra chào đón Lý Công Uẩn là như vậy. Lý Công Uẩn rất cảm kích nên cho đổi tên xóm Nghè đó thành Nghĩa Đô với hàm ý nghĩa cái tình của người Kinh Đô. Còn đổi xóm Bãi Dâu chuyên nghề dệt lĩnh thành Bái Ân có nghĩa là cái ơn thắm khắp một vùng.

Lĩnh Kẻ Bưởi có 1 cái đặc biệt khác với các vùng khác, đó là chủ yếu là lĩnh dệt trơn chứ không có in hoa như Hà Đông, và cũng không có in màu như các lĩnh ở vùng khác mà là lĩnh trơn, tức là dệt trơn thôi, không có hoa văn hay màu sắc gì hết. Những người buôn ở Sài Gòn, Phnompenh người ta sang cắt hàng thì về, tùy theo nhu cầu khách hàng thì nhuộm thành lĩnh tía hay lĩnh màu gì đó theo thị hiếu của vùng hay khu vực đó. Cho nên lĩnh ở vùng Bưởi chủ yếu là lĩnh trơn."

Sau khi bà Phạm Thị Ngọc Đô mất, dân làng thương nhớ tôn bà làm tổ nghề và lập miếu thờ bà tại làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công lao của bà để lại cho con cháu muôn đời sau.

Từ chỗ dệt vải thô, rồi dệt được vải "cát bá" nhỏ, đến đời nhà Lý, người thợ thủ công ven thành Thăng Long đã vươn tới trình độ dệt được những mặt hàng đẹp như lụa, gấm vóc phục vụ dân chúng kinh thành và triều đình, không phải mua hàng của người Trung Hoa nữa. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi vào năm 1156, vua Lý Anh Tông đã tặng Tống Cao Tông 850 tấm đoạn mầu vàng thắm có hoa rồng cuốn.

Vào thời nhà Trần khoảng thế kỷ 13 mặc dù nhân dân cả nước và ở kinh thành phải ba lần chịu đựng sự tàn phá của quân xâm lược nhà Nguyên nhưng nghề dệt vẫn không tàn lụi mà còn phát triển thêm các mặt hàng như lụa sợi nhỏ, chiếu gấm dệt màu, lĩnh ngũ sắc. Đến cuối thế kỷ 18 (triều vua Quang Trung) thành Thăng Long tuy không còn là kinh đô, song nghề dệt vẫn hoạt động sôi nổi.

Sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ năm 1946, người Hà Nội theo Chính phủ tản cư. Người Kẻ Bưởi cũng vậy. Người ta dệt những mét lĩnh Bưởi cuối cùng rồi lên chiến khu. Sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, người Kẻ Bưởi trở về làng cũ. Nhưng không còn ai làm nghề dệt lĩnh. Nghề dệt lĩnh chỉ còn là quá khứ. Một người cao tuổi làng Trích Sài kể lại :

"Ngày xưa làng Trích Sài có nghề dệt lĩnh. Năm 1945 đói kém thì nghề dệt lĩnh thất bát, đến khi giải phóng năm 1959 thành lập hợp tác xã to nhất của thủ đô Hà Nội. Lúc bấy giờ khoảng 400 xã viên, thế là mượn địa thế của khu đất đình làm các nhà sản xuất mà chủ yếu là dệt khăn mặt và xuất sang Liên Xô. Đến năm 1992 Liên Xô sụp đổ, hợp tác xã không còn mặt hàng để bán nữa thì lúc ấy tự giải tán, toàn bộ đất đai lại đem lại trả cho làng, cho đình."

Trước những năm 1940, người ta còn mua lĩnh mộc ở Bưởi mang vào Sài Gòn, Huế để nhuộm tía rồi bán ra thị trường, gọi là lĩnh tía. Lĩnh là mặt hàng quý, giá trị cao, nhưng người dệt lĩnh xưa vất vả và sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho những nhà quyền quý, giàu có, còn bản thân mình thì vẫn áo vải thô, có khi còn không đủ ăn đủ mặc.

Đến đầu thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập của các hàng vải, tơ, lụa, dệt bằng máy, nghề dệt thủ công nói chung, dệt lĩnh nói riêng ngày càng tàn lụi dần, một vài cải tiến lẻ tẻ về máy móc và kỹ thuật dệt thủ công không thắng được hàng ngoại.

Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, người các làng dệt lĩnh Bưởi xưa chỉ còn dệt vải thường, thành lập các hợp tác xã như Thành Công, Quyết Tiến, Tân Thành... chuyên dệt khăn mặt gia công xuất khẩu. Sau các hợp tác xã này cũng lần lượt giải thể. Con cháu những người thợ dệt nay làm nhiều nghề khác nhau, nghề của ông cha chỉ còn được nhắc đến trong kỷ niệm mỗi gia đình.

"Làm ở nhà, sau đó vào hợp tác xã vào năm 1958 thì khác, còn lúc làm ở nhà thì dệt cả đêm, lúc mỏi thì nghỉ, lúc bấy giờ chưa có điện. thành ra phải dệt bằng đèn dầu mà dệt tay hết. Đến lúc sau vào hợp tác xã mới có máy nói chung là thoải mái.Hợp tác xã có từ năm 1958, sau giải tán, mỗi người một việc, nghề dệt bỏ cách đây gần 20 năm rồi. Ngày xưa ở đây dệt lĩnh dệt lụa là có lần đầu tiên, sau đó mới đến dệt khăn mặt, dệt chéo go các thứ, bây giờ dân phải làm chuyển nghề mỗi người một việc. Bây giờ thì thôi mạnh ai có nghề tay phụ là tốt nhất."

Trong quá khứ, lĩnh Bưởi là thứ hàng chỉ dành cho vua quan, quý tộc và các gia đình giàu có. Lĩnh Bưởi dệt từ tơ tằm, nhưng phải là loại tơ tốt nhất. Cứ năm sợi tơ tằm, mới chọn được một sợi dệt lĩnh. Những thứ tơ được loại ra sau khi chọn để dệt lĩnh mới dùng để dệt lụa. Vì thế, lĩnh có những đặc tính quý hơn lụa tơ tằm. Lĩnh Bưởi mềm, nhẹ, sóng sánh theo mỗi bước chân đi.

Lụa tơ tằm mặc một lúc là dễ nhàu, nhưng lĩnh Bưởi có thể dùng tay vò mà vẫn giữ dáng phẳng mịn. Kỹ thuật dệt lĩnh cũng không phải cứ cha truyền là con nối được. Bốn, năm người học, may ra mới có một người làm tốt. Kỹ thuật dệt lĩnh cầu kỳ. Sau khi phân loại, tơ được đem đi hồ để sợi tơ không bị bông. Hồ xong, tơ mới được đem đi dệt. Bấy giờ, tấm lĩnh có đẹp hay không là nhờ bàn tay tài hoa của người thợ dệt.

Khác với dệt lụa, để dệt được một tấm lĩnh trơn, một người đứng dệt, phải có đến bốn, năm người phục vụ. Người đứng dệt như một "nhạc trưởng" chỉ huy công việc. Điều này đòi hỏi sự lành nghề, kinh nghiệm đặc biệt của người thợ cả. Chỉ khi phối hợp một cách thuần thục giữa những người thợ, mới có thể ra được tấm vải đúng "chất" của lĩnh - đó là độ bắt sáng kỳ diệu của tấm vải, nhờ đó mà tôn lên vẻ duyên dáng của người mặc. Dệt lĩnh hoa văn còn phức tạp hơn.

Lĩnh Bưởi là mặt hàng độc đáo ở kinh thành Thăng Long một thời. Chất tơ mềm và thoáng, đặc biệt độ bóng của lĩnh khiến cho trang phục may bằng hàng lĩnh rất sang trọng, tôn thêm vẻ thanh lịch dịu dàng của phụ nữ Thăng Long xưa. Những tấm lĩnh trở nên nổi tiếng trong cả nước và nó cũng trở thành thứ hàng quý hiếm dành cho các vương tôn quý tộc. Ngày xưa, một người thợ giỏi chỉ cần bán hàng trong một phiên chợ là có thể đủ ăn. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những bà, mẹ và cô gái nhà quan lại quyền quý hoặc giàu có .

Các bà thường chọn cho mình loại lĩnh đen trơn về may quần hoặc váy, còn các cô gái thì chọn cho mình những màu sắc trẻ trung hơn như màu vàng ngà, hồng tím hoặc trắng về may áo dài. Nhiều cô gái nhà không có điều kiện cũng cố gắng mua cho mình một mảnh lĩnh rẻ hơn về để dùng trong những việc quan trọng. Vì vậy mà khi ấy, quần lĩnh, áo the đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Tràng An xưa.

(Theo VOV giao thông, 16/7/2018)