Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Dương lịch, không khí mua sắm càng trở nên sôi động với hàng loạt chương trình khuyến mãi. Đây là cơ hội để người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chất lượng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cuối năm.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Từ những sợi tơ sen mỏng manh cùng cách làm thủ công rất lạ, lụa tơ sen đã trở thành sản phẩm độc đáo trên thị trường thời trang cao cấp. Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có một người thành công và đau đáu theo đuổi dòng sản phẩm “độc nhất vô nhị” này. Bà là Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Khác với tơ tằm có thể phơi ngoài ánh nắng mặt trời, tơ sen chỉ phơi nơi râm mát, thoáng gió để giữ được mùi hương, mầu sắc đặc trưng.
Từ ý tưởng bắt tằm làm... thợ dệt
Phùng Xá là một làng nghề truyền thống lâu đời nằm bên bờ sông Đáy. Trên đất Hà Tây (cũ), cùng với làng lụa Vạn Phúc, Phùng Xá từng nổi danh với nghề dệt truyền thống. Vùng đất thơ mộng này từng đi vào thi ca, với những câu hát đẹp như tranh trong một ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Dòng sông Đáy quê em/Sông trăng hay sông lụa...”.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nghề dệt tại Phùng Xá, ngay từ nhỏ, bà Thuận đã quen với công việc hái dâu, chăn tằm, dệt cửi, quen với nỗi nhọc nhằn của cái nghề mà người xưa vẫn ví von “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Bà Thuận chia sẻ: Nuôi tằm vất vả hơn cả chăm con mọn, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, phải chú ý đến những biểu hiện nhỏ của tằm, kiểm tra từng lá dâu, trước khi rắc cho tằm ăn. Nếu không yêu nghề, không kiên nhẫn thì không thể làm được.
Những năm 80 của thế kỷ trước là giai đoạn khó khăn nhất của Phùng Xá và các làng nghề dệt truyền thống khi sản phẩm không có đầu ra, nhiều nhà chặt bỏ vườn dâu, trồng các loại cây khác; khung cửi xếp xó. “Xót xa lắm, nhưng tôi vẫn quyết tâm trụ lại với cái nghề mà bốn đời gia đình mình gắn bó. Bỏ làm sao được khi nghề dệt tơ tằm đã ngấm vào máu thịt. Đành lấy ngắn nuôi dài, dệt khăn bông, làm chăn, ga, gối, đệm... để theo cái nghiệp tằm tơ” - bà Thuận trải lòng. Rồi khó khăn cũng qua, làng nghề hồi sinh. Những ngõ quê lại lách cách tiếng thoi đưa, tiếng máy dệt vui tai. Dưới triền đê sông Đáy lại mướt xanh mầu lá dâu non. Khỏi phải nói, những người đau đáu với nghề như bà Thuận vui thế nào. Cơ sở sản xuất của bà luôn tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Nhiều nông dân được bà hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; tơ làm ra được bà mua… Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nếu không có sản phẩm độc đáo thì khó mà trụ vững. Bà Thuận trăn trở ngày đêm. Hằng ngày bà cho tằm ăn, quan sát tằm phát triển, ngắm cách con tằm đan kén... Rồi một ngày đầu năm 2010, bà nảy ra ý tưởng: Sao không biến con tằm thành những “thợ dệt” chuyên nghiệp? Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, bà phải mất hơn một năm với tám lứa tằm thử nghiệm, hơn một tháng thức trắng đêm để cho ra đời phương pháp dệt lụa lạ lùng, “tưởng như không thể”. Bà cho biết, thông thường loài tằm sẽ làm tổ rồi cuộn thành kén. Nhưng nếu không có nơi bấu víu thì theo phản xạ, chúng buộc phải nhả tơ vào không gian. Dựa vào đặc tính này, bà đã để tằm nhả tơ trên một mặt phẳng. Kết quả, sau bốn đến năm ngày, tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau, tạo thành tấm kén phẳng. Tấm kén đó sẽ được luộc trong vòng bốn giờ, xử lý chất liệu để tạo ra một tấm bông tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn mà kỹ thuật may đo dù có tinh xảo đến mấy cũng không bằng. Các sản phẩm như gối, áo, mũ, khăn sẽ được thiết kế từ tấm tơ này. Chúng bền, hình thức đẹp, bán lại được giá. Sáng kiến để con tằm tự dệt đã mang lại cho bà Giải nhất toàn quốc Cuộc thi Nhà nông sáng tạo năm 2015 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
... Đến quyết tâm làm lụa sen thượng hạng
Đầu năm 2017, có người từng đến một ngôi làng nhỏ tại Mi-an-ma, chứng kiến cảnh người dân ở đây dệt lụa bằng tơ lấy từ cuống sen. Sản phẩm của họ được một nhà tạo mẫu Pháp đặt mua toàn bộ với giá rất cao. Về Việt Nam, người này đã gợi ý cho nghệ nhân Phan Thị Thuận làm loại tơ độc đáo ấy. Bà tâm sự: “Ban đầu, tôi định không làm vì dệt lụa tơ tằm cũng vất vả lắm rồi. Nhưng lại nghĩ: Họ làm được thì mình cũng làm được, cứ thử xem sao! Vùng đất quê tôi trồng bạt ngàn sen. Tôi lấy vài chục cuống sen về thử. Lúc đầu chưa quen, cắt sâu quá khiến thân sen bị đứt lìa, sợi chỉ tơ ngắn lắm mà lại tốn thời gian vô cùng. Làm mãi chưa được, nhiều người khuyên bỏ. Tự ái nổi lên, tôi đóng cửa xưởng không cho ai vào, một mình bên đống cuống sen. Ròng rã gần tháng trời, ăn ngủ cùng sen, công sức bỏ ra cũng được đền đáp. Khi cầm búp tơ sen trên tay, tôi vui không để đâu cho hết”.
Cùng với làm lụa tơ tằm, những người thợ được bà Thuận hướng dẫn cách làm lụa sen. Mang từ đầm về, cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 giờ, bởi nếu cuống bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Trung bình mỗi ngày, một người thợ rút được khoảng 260 cuống sen, thu khoảng 170 m sợi tơ. Một cuống sen có khoảng 30 sợi chỉ nhỏ. Mất chừng 1.200 cuống sen mới dệt ra được gần 10.000 m sợi. Để dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen. Tất cả các công đoạn đều được làm hoàn toàn thủ công. Khâu kéo chỉ khá quan trọng. Loại cuống dài, bánh tẻ sẽ cho nhiều chỉ sen, dễ cắt hơn cuống già. Cuống sen phải rửa thật kỹ, khi kéo chỉ phải dùng nước sạch để lau thì sợi chỉ sen mới trắng. Một sợi chỉ sen có kích thước nhỏ hơn sợi tóc đến 10 lần. Tay trái người thợ cầm chắc ba đến bốn cuống sen, tay phải cầm dao cắt nhẹ vòng quanh với độ dài khoảng 5 cm, sao cho cuống sen vừa đủ đứt mà lại không ảnh hưởng đến sợi tơ bên trong. Nắm chắc cuống sen, từ từ bẻ đứt, tay phải xoay nhẹ một vòng để các sợi tơ được kéo ra chụm lại với nhau rồi đặt lên mặt bàn đã lau ướt, bỏ phần cuống đã đứt. Ngón tay trái tỳ các sợi tơ xuống mặt bàn, đồng thời miết nhẹ chúng với nhau để đủ độ săn chắc. Rút sợi tơ xuống khay rồi lại tiếp tục quy trình cắt cuống, rút sợi, se chúng lại thành cọng tơ dài tưởng như bất tận. Tơ rút được sẽ quay vào ống và đưa vào guồng.
Công việc nghe qua đơn giản, không quá vất vả nhưng mất thời gian, đòi hỏi người làm có tính kiên trì. Chị Đặng Thị Son (thôn 13, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: Ban đầu chưa quen, tôi hay để đứt cuống nên rất lãng phí thân sen. Sau vài ngày làm cũng quen dần. Người se tơ sen cần kiên nhẫn; nóng vội, cố làm nhanh là hỏng ngay... Bà Thuận so sánh: Tằm ăn lá dâu trong hơn 20 ngày là nhả tơ thành kén. Kén đó lại dầm trong nước nóng để kéo thành những búi tơ. Thân sen thì có sẵn, chỉ việc mang từ đầm về nhưng khi làm lại vất vả vì con người phải thay công việc của tằm để kéo tơ. Bà Thuận đưa chúng tôi đi tham quan nơi nuôi tằm, se tơ sen của gia đình. Chạm khẽ vào những búp tơ sen trắng ngà, xốp như mây, nhẹ như sương khói, chúng tôi chỉ sợ chúng quá mong manh mà tan ra. Một cảm giác mát rượi lòng bàn tay, hương thơm dịu lan tỏa. Để có được những búp tơ sen thế này, bao người thợ phải làm việc tỉ mẩn, cặm cụi nhiều giờ. Khác với tơ tằm có thể phơi ngoài ánh nắng mặt trời, tơ sen chỉ phơi trong nơi râm mát, thoáng gió để không bay mất mùi hương đặc trưng, tơ không bị khô khi dệt thành tấm lụa.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận từng ước ao: Nước mình ở đâu cũng trồng sen. Nếu công việc này phát triển sẽ tạo việc làm cho rất nhiều lao động lúc nông nhàn, tận dụng được nguồn cuống sen sau khi đã thu hoạch hoa. Từ lụa sen, có thể sản xuất các mặt hàng lưu niệm, làm quà tặng các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Đây là món quà rất ý nghĩa vì nó thuần Việt. Nhưng đó vẫn chỉ là ao ước, vì đến thời điểm này, việc dệt lụa sen hoàn toàn làm thủ công, sản lượng rất ít vì tốn nhiều công sức. Bà Thuận cho chúng tôi cho biết, có một vài đối tác cũng đã liên hệ với bà, ngỏ ý muốn hợp tác cùng làm lụa sen, song chưa có kết quả cụ thể.
Tương lai của lụa sen vẫn còn ở phía trước. Giờ đây, hằng ngày, bên xưởng dệt ven bờ sông Đáy, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận vẫn miệt mài nâng niu những búp tơ sen, cặm cụi bên những nong kén, nhẹ nhàng rắc lá dâu cho lũ tằm. Với người phụ nữ tài hoa ấy, chăn tằm dệt cửi, làm lụa sen đã là nghiệp; và không ngừng ấp ủ những ước mơ...
Không chỉ mềm, mịn, mát, nhẹ như lụa tơ tằm, lụa sen còn có ưu điểm là xốp, thấm nước. Lụa thường có mầu trắng ngà, nâu nhạt nguyên thủy vì các nghệ nhân rất hạn chế nhuộm (kể cả bằng mầu tự nhiên). Thân thiện với môi trường, có mùi hương dịu nhẹ đặc trưng của sen, được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công tốn thời gian, công sức... nên lụa sen có giá rất đắt. Một chiếc khăn chiều dài 1,7 m, ngang 20 cm giá bán không dưới năm triệu đồng. Hiện trên thế giới, mới chỉ có Mi-an-ma,Cam-pu-chia và Việt Nam sản xuất dòng lụa cao cấp này. |
(Theo Báo Nhân dân điện tử, 25/8/2018)