Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Đình làng Hồ Khẩu: Bí ẩn tích xưa

Ngày đăng : 28/06/2018

Những truyền thuyết xung quanh đình làng Hồ Khẩu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, cần sự giải mã đối với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Đình làng Hồ Khẩu (Ảnh: internet)

Vùng Bưởi quận Tây Hồ nằm về phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội là nơi tụ cư của một số làng cổ có bề dày truyền thống từ thuở xa xưa. Các lễ hội ở vùng đất này mang đậm nét văn hóa làng xã, có sắc thái độc đáo từ bao đời nay. Nhắc đến lễ hội ở vùng Bưởi không thể không kể tới lễ hội cầu mát hay còn gọi là lễ hội cầu an của làng Hồ Khẩu.

Lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng tại đình làng vào hai đợt trong năm là tháng 2 và tháng tư. Nếu như trong chương trình Bánh xe đồng vọng trước đây, chúng tôi đã giới thiệu tới quý vị thính giả vẻ đẹp của làng Hồ Khẩu qua những chiếc cổng làng có niên đại vài trăm tuổi thì hôm nay chúng ta sẽ khám phá nét đẹp khác của nơi đây qua đình làng Hồ Khẩu cùng các lễ hội truyền thống.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến giới thiệu sơ lược về lịch sử thành hoàng làng Hồ Khẩu.

"Ở làng Hồ Khẩu có một đền thờ hai anh em sinh đôi có công đánh giặc dưới thời vua Lý Thần Tông. Người Anh là Dực Thánh, người em là Vệ Quốc. Nhưng cũng ở đây lại có thờ một thần gọi là thần Uy Linh Lang. Linh Lang và Uy Linh Lang là hai thần phả hay là một thì vẫn là 1 câu hỏi còn bỏ ngỏ cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Bởi vì Linh Lang thì thờ ở Thủ Lệ, nhưng ở Thụy Khuê, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá thì người ta vẫn thờ Uy Linh Lang.

Điểm giống nhau ở Voi Phục cũng như ở Thụy Khuê hay ở Yên Phụ là ngoài đình ở cửa đều có đôi voi nên cũng đặt tên là đền Voi Phục. Vậy đền Voi Phục ở Thủ Lệ và đền Voi Phục ở Thụy Khuê, hay nói 1 cách chính xác là ở Hồ Khẩu thì đó là những truyền thuyết giống nhau hay khác nhau, vẫn còn là một nghi hoặc cần sự giải mã đối với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì thần Linh Lang lại có từ đời vua Lê Thần Tông mà có công đánh giặc Tống, nhưng Uy Linh Lang thì lại là có từ đời vua trần Thái Tông, có công đánh giặc Nguyên. Nghĩa là giữa ông Linh Lang và ông Uy Linh Lang là cách nhau 2 thế kỷ. Vậy 2 cái này có liên quan gì đến nhau hay không? Nhưng cả 2 truyền thuyết này đều giống nhau là Mẹ của Linh Lang và của Uy Linh Lang đều là những người phụ nữ dệt vải ở Hồ Tây và khi vua đi thăm vãn cảnh ở Hồ Tây thì gặp hai bà, sau đó vời vào nói chuyện.

Khi về, hai bà đều có mang và sinh ra con. Đây cũng là mô tuýp rất thông thường của khu vực Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Hai bà đều nuôi con 1 mình ở nơi thôn dã, sau đó, khi con lớn lên, đất nước có giặc thì ra chiến trường đánh giặc, lập công và được phong vương.

Đó là điểm giống nhau về gốc tích của Linh Lang và Uy Linh Lang. Nhưng vì 2 thuyết này cứ tồn tại song song nên sau này có người mới gộp lại, Uy Linh Lang là hậu thân của Linh Lang. Và trước năm 1954, các làng quanh hồ Tây như Thụy Khuê, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá và Thủ Lệ thì vẫn rước chung và thờ chung, nhưng sau năm 1954 thì không còn nữa và các nơi đều thờ riêng."

Lịch sử của làng Hồ Khẩu gắn liền với thời Hùng Vương dựng nước. Đó là một ngôi đình cổ xưa kia nằm bên bờ Hồ Tây, đến thời Nguyễn thì di dời vào làng, đặt ở vị trí trung tâm làng hiện nay. Đình làng có nhiều đồ thờ và hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng.

Chuyện xưa kể rằng, sau khi hai đức Thánh của làng Hồ Khẩu giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước thắng lợi, dân làng đã mở hội khải hoàn ở cổng làng và ghi hai câu đối ở cổng giữa với nội dung đại ý rằng: Nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí. Ðến nay trẻ già còn truyền lại sự việc đó.

Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Ðôi, Dựa vào các câu chữ này, đã có những bàn luận đa chiều về lịch sử chiếc cổng làng Hồ Khẩu và đây cũng là chứng tích của cổng đình làng. Điểm khác biệt của đình làng Hồ Khẩu đó là từ đình làng được đặt xung quanh những chiếc cổng cổ kính có niên đại vài trăm năm tuổi:

"Hồ Khẩu là đình ra ngay ngõ, không có cổng, mà đi chung từ cổng chung của làng Hồ Khẩu vào. Cổng này xây cũng đẹp. Đi vào cổng là tới đình, không có cổng tam quan, đi vào ngõ để vào đình, ngõ chạy dài chạy suốt cả làng. Rẽ vào đình ngay sát đường."

Đình làng Hồ Khẩu hồi chiến tranh 1946-1954 bị tàn phá, rồi hợp tác xã giấy sử dụng làm hội trường, năm 1990 mới trả lại nhân dân để làm nơi thờ cúng. Ngày nay, giấy đó không sản xuất nữa. Những người làm nghề cũ “vang bóng một thời” nay dần đi vào dĩ vãng..Đến nay, qua ba lần tu sửa, đình làng Hổ Khẩu đã có một hình ảnh khác xưa. Tuy nhiên thực trạng những chợ cóc chợ tạm mọc lên xung quanh đình làng hiện nay đã làm cho không gian tại đây bị thu hẹp khiến nhiều người dân không khỏi tiếc nuối:

"Tôi gần 70 tuổi rồi. Tôi cũng chỉ biết là khi tôi sinh ra là đình làng đã có rồi, phải trên trăm năm, vẫn nguyên vẹn không thay đổi. Chỉ có là bây giờ đất chật, người đông. Đình ấy ngày xưa rộng lắm, bây giờ chợ búa cứ đem vào đấy nên bừa bãi quá, mất cả sân đình Dân ý kiến mãi vẫn chưa dẹp được cái chợ để trả lại khu đình ấy. Ngày xưa đó là một cái sân to để cho ngày hội, ngày hè các con các cháu ra chơi. Bây giờ làm chợ hết. Tôi cũng yêu cầu thành phố, dẹp chợ để lấy lại sân đình cho bà con hàng xóm, giả lại mặt bằng cho đình khang trang."

Vốn là một làng cổ lâu đời, Hồ Khẩu có 5 dòng tộc, nay vẫn còn bảo tồn được nguyên vẹn các từ đường, con cháu vẫn sum họp tế tổ đông vui, giữ vẹn đạo nước đạo nhà. Xung quanh đình làng Hồ Khẩu cũng có rất nhiều di tích lịch sử. Phía Tây giáp làng Nghĩa Đô. Phía bên phải là cổng vào chùa Chúc Thánh. Qua đền Vệ Quốc đến cổng vào Giáp Đông của làng. Hệ thống cổng ấy là cụm di sản văn hóa quý hiếm có một không hai ở Thăng Long.

Đối diện với cổng đình là Điện thờ Đức Thánh Mẫu Thủy Tinh công chúa, con Động Đình vương, dân làng vẫn gọi là Điện Mẫu Thăng Long. Bên ngoài cổng làng, ngoài Điện Mẫu còn có đền Giáp Đông thờ Đức Thánh Em, gọi là đền Vệ Quốc.

Làng có 3 đền thờ, hai đền toạ lạc bên ngoài cổng làng, còn một đền dựng ở Giáp Bắc, thờ Đức Thánh Cả, gọi là đền Giáp Bắc hay còn gọi là đền Dực Thánh. Hai Đức Thánh thờ ở đền Giáp Bắc và Giáp Đông vì có công với nước trong sự nghiệp đánh Tống, bình Nguyên và lại có công với dân làng trong việc lập ấp, trị thuỷ nên được tôn thờ là Đức Thành Hoàng thờ ở đình làng.

Làng xưa nay đã lên phố phường, nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào về truyền thống của làng, tự hào về những chiếc cổng làng, về mái đình cổ xưa với hai lễ hội chính trong năm là lễ hội Tháng hai và lễ hội cầu mát diễn ra vào tháng tư âm lịch. Nét độc đáo của hội tháng hai là vào tối ngày 13 (chính hội) có chèo đò cạn tại đền Vệ Quốc.

Đội chèo gồm 32 trai tân, từ ngày mồng một đã phải ăn chay để đến tối ngày 13 chia làm 2 đội chèo đò tại sân đền. Hội tháng Tư vào ngày Rằm có rước sư, rước nước cầu an.

Lễ hội của làng Hồ Khẩu là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của làng, là dịp mà những người con của làng gửi gắm vào trong đó những ước mơ khát vọng về một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Một người dân trong làng cho biết:

"Mùng 4 tháng 4 là hội cầu mát của đình. Cầu mát tức là người ta rước thánh lấy nước ngoài hồ, từ chùa Sải về đình làng. Còn nhiều hội lắm, diễn ra từng tháng một. Rất đông vui, bơi thuyền rồi các hội nhiều kiểu, hát hò rồi lễ của làng nhưng không tôn nghiêm bởi chật chội quá. Không còn đông vui như ngày xưa. Ngày xưa, bọn tôi còn nhỏ, trẻ con còn chạy quanh đình được, bây giờ làm lán lấn chiếm hết ra."

Tìm về lễ hội nơi đây cũng là tìm đến chìa khóa giải mã phần nào về vùng đất truyển thống văn hóa của con người Kẻ Bưởi. Người làng Hồ Khẩu vẫn tự hào về truyền thống của mình. Họ tự hào về nghề làm giấy dó nổi tiếng, dù bây giờ nghề làm giấy dó chỉ còn trong kí ức của những người già. Tự hào về những cổng làng, những đình chùa qua bao niên đại vẫn tồn tại để kể cho hậu thế về những câu chuyện lịch sử của cha ông.

(Theo Kênh VOV giao thông, 28/6/2018)