Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Chùa Bà Đanh: Chốn thanh tịnh cho người thành tâm

Ngày đăng : 16/04/2018

Chùa Bà Đanh chứa đựng những giá trị nghệ thuật trang trí, kiến trúc điêu khắc có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của cư dân địa phương

Chùa Bà Đanh (nay gọi là chùa Châu Lâm) ở Hà Nội (Ảnh: Danviet)

Những ngôi chùa ở Việt Nam là biểu tượng cho chân lý thánh thiện, là nơi trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tu học của Tăng Ni và các tín đồ Phật tử và cũng là nơi giáo dục đạo đức hướng thiện cho tất cả mọi người.

Chùa Châu Lâm hay còn có tên gọi khác là chùa Bà Đanh ngày nay nằm trên địa bàn Phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng nằm trong lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống Chùa Việt, nhưng vẫn chứa đựng nhiều nét độc đáo của riêng mình để phản ánh một thời đại đã qua.

Không chỉ vậy chùa Châu Lâm còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật trang trí, kiến trúc điêu khắc có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của cư dân địa phương cũng như du khách khi tới thăm quan và lễ Phật.

“ Ngày xưa đem chùa ra chỗ Chu Văn An cơ mà vắng quá lại đem về, mỗi người một hai sào ruộng nhiều ruộng nên đem chùa vào đây.”

“ Lúc bà đến được xây lại rồi, ngày thường không có ai cả.”

“Khi mình đến mình cũng cảm thấy một phần chạnh lòng vì mình cảm thấy các chùa khác rất là đông đúc tấp nập họ đến họ công đức nườm nượp nhưng mà khi đến ở ngôi chùa này mình thấy rất là vắng vẻ, cảm thấy sự côi cút nhưng mà ngược lại, lại có một khung cảnh rất đẹp và có hai vị sư già nữ thì mình cảm thấy những mệt mỏi thị phi ở ngoài gần như là tan biến hết.”

Nằm sâu trong ngõ 199 phố Thụy Khuê, chùa Châu Lâm còn được biết đến với tên gọi chùa Bà Đanh. Chùa được đặt theo tên một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Đến nay, tấm bia Bà Đanh tự vẫn còn được lưu giữ tại đây.Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi chùa có tiếng từ lâu của Hà Nội nhưng khung cảnh rất vắng vẻ không chỉ vào ngày thường mà hôm rằm, mùng một, lượng người đến hương khói ít hơn hẳn so với nhiều ngôi chùa tại thủ đô.

Nói về tên gọi của chùa, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, một người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về văn hóa Hà Nội lý giải:

“ Vì sao có câu thành ngữ vắng như chùa bà Đanh? Năm 1471,sau khi Lê Thánh Tông đi dẹp quân Chiêm Thành, đưa về rất nhiều tù binh, trong đó có nhiều tù binh có dòng dõi quý tộc.

Để cách ly những tù binh này với các tù binh thường dân khác, vua Lê Thánh Tông cho xây Châu lâm viện, ngày nay tương ứng với đầu phố Thụy Khuê và cho xây 1 ngôi chùa để họ hàng ngày hương khói thờ cúng Phật. Điều này đã được chép lại ở 1 cái bia ghi vào năm 1699, tức Châu Lâm Tự hiệu là chùa Bà Đanh, tên nôm là chùa Bà Đanh.

Nhưng ngược trở lại thời kỳ trước thì khu vực này rất vắng vẻ, không có người, và cũng vì chùa xây dành riêng cho người Chiêm Thành nên gần như không có người dân Thăng Long vào đây thắp hương, lễ phật.

Theo thời gian, 1 số người Chiêm Thành trở về quê, 1 số người khác di sang vùng khác sinh sống nên chùa cứ vắng dần và cho đến cuối thế kỷ 19, chùa bị đổ nát và liên tục trong nhiều thế kỷ vì quá vắng lặng nên người dân Thăng Long mới có câu thành ngữ là vắng như chùa bà Đanh. Chuyện này cũng được nhà thơ Nguyễn Huy Lượng ghi lại 1 câu trong bài Tụng phú Tây Hồ.

Rõ ràng là vì chùa vắng không có ai ra vào nên mới có câu thành ngữ này. Khi người Pháp vào chiếm Hà Nội thì đã thu hồi miếng đất này, 1 số đồ thờ tự thì đưa sang chùa Phúc Long của Thụy Khuê.

Vì sát nhập 2 chùa nên chùa mới có tên là Phúc Lâm, hiện giờ nằm trong ngõ 199 phố Thụy Khuê, còn đất chùa Bà Đanh thì được 1 nhà tư bản pháp là Sneider xây làm nhà in, và sau này thành trường Chu Văn An là có xuất xứ như vậy.”

Bà Đanh – tên nôm của chùa Châu Lâm xưa toạ lạc trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng trăm năm, mảnh đất gắn liền với những truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm thời dựng nước. Dấu vết của thời kỳ lịch sử còn in đậm trên kiến trúc và khối di vật hiện còn.

Chùa thờ Phật và thờ Mẫu cầu phúc lành cho dân làng, là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng cư dân, là nơi cầu nguyện những điều tốt lành cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, đồng thời là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

Chùa có quy mô kiến trúc lớn, mang vẻ đẹp độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc cổ chùa làng với kiến trúc gỗ truyền thống của nghệ thuật thời Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ được những mảng trang trí trên bộ vì kèo cùng hai bức cốn với các đề tài: rồng, long, mã, phượng vũ, thần quy lạc.

Trong khối di tích vật chất cổ kính này, đáng chú ý là các pho tượng tròn với số lượng tượng khá đầy đủ: tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao. Các pho tượng được tạo tác công phu, tỷ mỉ và được phủ thếp vàng lộng lẫy.

Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, thể hiện một trình độ kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của đôi bàn tay khéo léo của ông cha ta. Các pho tượng được tạo tác vào những thời gian khác nhau mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX.

Ngoài ra với bộ di vật trong chùa khá phong phú, đa dạng, cùng đầy đủ các loại hình: văn bia, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi, câu đối… mang giá trị lịch sử, văn hoá cao. Nhóm di vật gỗ được chạm khắc tinh xảo tôn thêm vẻ đẹp cổ kính cho di tích này.

Đặc biệt hơn là các tư liệu thành văn với bia đá, chuông khánh của hai thời Lê - Nguyễn. Không chỉ có giá trị nghệ thuật, các văn bia hiện còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu về đời sống, xã hội của một làng cổ về lịch sử tạo dựng đình, chùa, đền được ghi lại qua hệ thống văn bia, chuông, khánh để lưu lại cho hậu thế.

Chùa Châu Lâm không chỉ là một ngôi chùa cổ mà còn là một điểm hẹn tinh thần cho những ai muốn tìm vể với sự thanh tịnh thư thái trong tâm hồn. Tới đây, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt với nhiều ngôi chùa khác.

Không phải cảnh người vào ra lễ bái tấp nập, không khói hương nghi nghút mà là cảm giác bình yên tới từ những điều giản dị nhất đó là tấm lòng của hai vị sư nữ tu tập tại chùa. Những bữa cháo thiện nguyện của chùa Châu Lâm đã làm ấm lòng nhiều bệnh nhân đang điều trị tại viện lao và khuyến khích phật tử làm nhiều việc thiện nguyện.

Quang cảnh bên trong chùa (Ảnh: Danviet)

Trụ trì chùa Châu Lâm hiện tại là sư thầy Thích Đàm Dư 97 tuổi và sư tiểu Thích Đàm Chỉnh 87 tuổi. Ngoài ngày rằm mùng một thì các ngày trong năm chùa khá vắng vẻ, thanh tịnh đúng chất của một ngôi chùa làng. Có thể do một phần chùa nằm sâu trong ngõ nhỏ nên ít ai biết đến.

Tới thăm chùa trong một ngày giữa tuần, chúng tôi không khỏi nhạc nhiên và ấn tượng với dáng người nhỏ bé cùng nụ cười rất nhân hậu của sư tiểu Thích Đàm Chỉnh, cụ tuổi đã gần 90 vẫn nhanh nhẹn dọn dẹp sắp xếp mọi thứ trong chùa ngăn nắp gọn gàng:

“Tôi về đây mới có 50 năm. Con của cụ già gần trăm tuổi. Mình chỉ biết rằng mình ở đây chăm lo chùa cảnh rồi thì là dân ở đây cũng chả có điều tiếng gì. Trên yêu dưới mến. Coi như dân với nhà chùa các già các vãi thì người ta cũng yêu mến, các cụ giàrồi thì có tổ từ thiện nấu cháo, người ta cũng đến người ta cũng đến giúp đỡ nhà chùa, có công việc lớn thì các bà ấy đến các bà ấy làm đỡ hoặc nấu nướng quét dọn cửa nhà, bây giờ hai người già cũng không làm đc mấy nữa.”

Mặc dù cuộc sống tu hành giản dị xong các sư thầy ở chùa vẫn đều đặn duy trì hoạt động nấu cháo thiện nguyện cho bệnh nhân ở viện lao trung ương để chia sẻ bát cơm miếng cháo giúp người bệnh vơi bớt khó khăn trong khi nằm viện điều trị:

“Từ thiện có tổ cháo đấy người ta đến người ta tụng kinh nấu cháo ở đây, người ta từ thiện rồi người ta nấu cháo ở đây. Có ai nhà quê người ta cũng đem gạo đến biếu nhà chùa. Các cháu nhà quê mang ra biếu tôi cũng đem tôi biếu từ thiện mấy chục cân ấy để người ta nấu cháo lên viện lao. Ban ấy mỗi tuần người ta nấu mỗi tuần mấy buổi. Mình có gạo đem biếu cho người ta nấu cháo. Thế còn chúng tôi cũng phải ủng hộ các quỹ từ thiện hội chữ thập đỏ mỗi năm mấy triệu.”

Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của hai sư nữ tại chùa Châu Lâm đã lan tỏa tới nhiều Phật tử. Không ai bảo ai, cứ đều đặn thứ ba hàng tuần, họ vào chùa dọn dẹp mang gạo nấu cháo rồi mang bánh trái hoa quả chuyển vào viện cho bệnh nhân như một cách tìm về với những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này:

“Theo mình nghĩ thì vắng hay không mình không quan trọng. Vấn đề là khi mọi người đến thì mọi người sẽ cảm nhận như thế nào. Đối với mình thì khi đến mình cảm thấy rất đẹp. Thanh tịnh rồi gặp hai vị sư mình cảm thấy khi nói chuyện họ rất thoải mái, họ vô tư, họ hiền từ đúng với nghĩa của hai nhà sư thật bởi vì trong suy nghĩ của họ cái gì cũng đơn giản là muốn giúp đỡ người khác.

Hàng ngày họ tiết kiệm để giúp đỡ những người xung quanh. Tuy ở trong chùa rất là khó khăn nhưng họ cũng không nghĩ đến cái khó khăn của mình và họ có thể giúp đỡ những người xung quanh ví dụ như giúp đỡ trẻ em mồ côi tại trại trẻ mồ côi chẳng hạn.”

Tới thăm chùa Châu Lâm xưa với tên gọi Phúc Lâm hiện nay, chúng ta có thể cảm nhận rõ những truyền thống văn hoá tốt đẹp, nơi gắn kết mối quan hệ cộng đồng, nơi giáo dục hành vi tốt đẹp cho mọi người trong xã hội vẫn được lan tỏa và kết tinh từ chính những tấm lòng cao đẹp nơi đây

Theo VOV giao thông, 16/4/2018