Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa các tỉnh, thành phố Bình Định - Hà Nội - Hậu Giang - Tây Ninh - Vĩnh Long - Sóc Trăng năm 2021.

Ngày đăng : 24/12/2021

(HPA) Sáng ngày 23/12/2021, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Bình Định, Hậu Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long và Sóc Trăng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố năm 2021.

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: HPA.
 
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: HPA.
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các tỉnh Bình Định, Hậu Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long và Sóc Trăng với hệ thống các nhà phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại điểm cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Minh Huyền-Phó Cục Trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA; lãnh đạo các Phòng chuyên môn của Trung tâm và các phóng viên, báo đài đưa tin về Hội nghị. Một số doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ được mời tham gia kết nối trực tuyến là hệ thống siêu thị BRG Mart, Mega Market, Winmart (Vinmart), Aeon, Big C, sàn thương mại điện tử SENDO, VOSO, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, BigGreen …
 
Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HPA.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA khẳng định: thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm, đặc biệt là nông sản, thủy sản, trái cây an toàn của các tỉnh, thành phố trong việc quảng bá, kết nối - tiêu thụ và lưu thông trên địa bàn Hà Nội bằng nhiều hình thức để sản phẩm của các tỉnh, thành phố có thể tiêu thụ được ở mức cao nhất tại thị trường Hà Nội, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết giữa các bên tham gia.
 
Càng gần về những tháng cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên Đán 2022, nhu cầu về tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân Hà Nội ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn. Thông qua các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn với các doanh nghiệp phân phối Hà Nội, doanh nghiệp các Tỉnh cần phải có sự thay đổi về nhận thức và từ đó có sự thay đổi trong cách tiếp cận. Để đưa hàng vào các kênh phân phối, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ về xu hướng tiêu dùng, quy trình, thủ tục, chất lượng cũng như mẫu mã bao bì sản phẩm... Doanh nghiệp các tỉnh, thành cũng như doanh nghiệp Hà Nội cần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh khi tham gia hội chợ, hội nghị kết nối; lựa chọn tham gia các hội chợ, tuần hàng có uy tín, bài bản về công tác tổ chức và rõ về mục tiêu mới đem lại hiệu quả cao.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục Trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HPA.
 
Tham dự Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục Trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương nhấn mạnh: Thương mại điện tử là giải pháp tất yếu, căn cơ trong việc đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với một số sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada,... đã chính thức được vận hành, là nơi tập hợp các hàng hoá chất lượng, thương hiệu uy tín của Việt Nam hoặc những sản phẩm của các địa phương, được thiết kế chia theo các lĩnh vực như nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thủ công mỹ nghệ, hàng OCOP, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm, đặc sản địa phương... Cục cũng phối hợp cùng với các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ các địa phương trên cả nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương qua hình thức thương mại điện tử.
 
Ngày 15/5/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. ... đã xác định: Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu… Việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử được thực hiện theo mô hình: lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số lĩnh vực/địa phương phát triển thương mại điện tử để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
 
Thông qua các chương trình hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối, đưa những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô, góp phần lưu thông hàng hóa và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ./.
 
HPA.