Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Sở NN&PTNT Tiền Giang làm việc với HPA về thúc đẩy xúc tiến thương mại nông nghiệp

Ngày đăng : 08/10/2018

(HPA) Tiền Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, cây ăn trái, rau quả, thủy sản,... Hàng năm, các loại nông sản cho sản lượng khá cao.

HPA làm việc với Sở NN&PTNT Tiền Giang.

Đó là chia sẻ của Ông Cao Văn Hóa - Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang tại buổi làm việc với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch (HPA) ngày 05/10/2018 vừa qua. Ông Hóa cho biết thêm: hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tỉnh như lúa gạo chất lượng cao, trái cây ăn quả, gia cầm (gà ác, gà ri, trứng gà, trứng chim cút) thủy hải sản (nghêu, tôm nước mặn),… đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các doanh nghiệp của Tỉnh. Do đó, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thông qua các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay.

Tuy nhiên, với định hướng mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hà Nội, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này. Sở NN&PTNT Tiền Giang mong muốn hợp tác với HPA trong công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp như: chia sẻ thông tin doanh nghiệp để hỗ trợ kết nối tiêu thụ, liên kết cung cầu cho sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tìm địa điểm xây dựng kho lạnh phục vụ cho việc bảo quản hàng hóa cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA.

Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA nhận định: Là một vùng đất thuộc miền Tây sông nước. Tiền Giang đồng thời cũng là một trong những vựa trái cây lớn được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”. Nổi tiếng với hàng loạt những loại đặc sản trái cây thơm ngon được người tiêu dùng yêu thích như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, nhãn Nhị Quý, Mận (roi) Trung Lương,…Người tiêu dùng Hà Nội cũng đã biết đến các đặc sản này. Nhưng để thâm nhập và mở rộng thị trường Hà Nội, ngành nông nghiệp Tiền Giang đưa hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại thị trường Hà Nội thông qua hoạt động như tổ chức Tuần lễ quảng bá sản phẩm hoặc tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền tại Hà Nội để người tiêu dùng được tiếp cận và trải nghiệm chất lượng sản phẩm. HPA với vai trò là cơ quan đầu mối xúc tiến thương mại của Thủ đô sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp của Tỉnh kết nối với doanh nghiệp, kênh phân phối tại Hà Nội cũng như hệ thống phân phối nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của Thành phố do HPA chủ trì tổ chức./.

Thông tin đặc sản Tiền Giang:

A. TRÁI CÂY:

Tiền Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất nước, chiếm 8% so với tổng diện tích cây ăn trái của cả nước; hầu hết các loại cây trồng đều được bố trí phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn theo từng vùng sinh thái nên cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt. Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” là nơi có truyền thống lâu đời về trồng cây ăn trái, có điều kiện thuận lợi về tài nguyên và nước, cơ cấu chủng loại trái cây chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích các loại cây chủ lực đều tăng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản ngày càng cao.Với diện tích khoảng 70.000 ha vườn cây ăn trái, hàng năm cho sản lượng trên 1 triệu tấn, với các loại trái cây nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim; khóm Tân Phước; thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, bưởi Lông Cổ Cò, trong đó thanh long Chợ Gạo và khóm Tân Phước có vùng chuyên canh với diện tích và sản lượng lớn có khả năng cung ứng hàng hóa với số lượng lớn cho tiêu thụ tươi, chế biến và xuất khẩu; ngoài các loại trái cây đặc sản đã có thương hiệu Tiền Giang còn các loại trái cây khác như: cam sành, nhãn, chôm chôm, ca cao. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (G.A.P) đã và đang được áp dụng trong sản xuất thanh long, khóm, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…..

Một số thông tin cụ thể:

1.Thanh long Chợ Gạo: gồm các xã Quơn Long, Đăng Hưng Phước,Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa…huyện Chợ Gạo.

- Diện tích: khoảng gần 3.000 ha

- Năng suất: 25 – 30 tấn/ha/năm

- Sản lượng: gần 100.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

2. Khóm Tân Phước: gồm các xã Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phước Lập, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Hưng Thạnh… huyện Tân Phước.

- Diện tích: trên 15.000 ha

- Năng suất: 18 tấn/ha/năm

- Sản lượng: trên 270.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

3. Xoài cát Hòa Lộc: Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

- Diện tích khoảng 1.600 ha

- Năng suất trên 6,3 tấn/ha/năm

- Sản lượng 10.100 tấn

- Mùa vụ: từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch hàng năm

4. Sầu riêng Ngũ Hiệp: gồm các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long tiên, huyện Cai Lậy.

- Diện tích: trên 6.400 ha

- Năng suất: 15 – 18 tấn/ha/năm

- Sản lượng: trên 100.000 tấn

- Mùa vụ chính từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm

5. Sơri Gò Công: gồm các xã Bình Nghị, Long Thuận, Bình Ân, Tân Đông, Kiểng Phước

- Diện tích: 270 ha

- Năng suất: 40 tấn/ha

- Sản lượng trên 10.000 tấn

- Mùa vụ: quanh năm

6. Bưởi Lông Cổ Cò: gồm các xã Mỹ Lương, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B…huyện Cái Bè.

- Diện tích: khoảng 1.000 ha

- Năng suất: 20 tấn/ha/năm

- Sản lượng: 20.000 tấn

- Mùa vụ có quanh năm

7. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim: gồm các xã Vĩnh Kim, Phú Phong, Bàn Long, Mỹ Long, Kim Sơn, huyện Châu Thành.

- Diện tích: 3.900 ha

- Năng suất: 15 – 16 tấn/ha/năm

- Sản lượng: 63.000 tấn

- Mùa vụ: từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm (Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)

HPA