Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Nông sản vào EU: Chuẩn bị gì để đón EVFTA có hiệu lực ?

Ngày đăng : 12/12/2018

Nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ chế biến và nhận diện thương hiệu là những điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khi muốn xuất khẩu (XK) nông sản sang EU.

Phải an toàn 100%, và nâng cao độ nhận diện thương hiệu

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về XK mặt hàng nông sản sang EU, bởi có nhiều lợi thế khi thuế của nhiều mặt hàng nông sản XK vào EU sẽ được giảm xuống mức 0%.

Ông Trần Văn Công -Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá: “Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể đẩy mạnh XK các loại nông, lâm, thủy sản nhiệt đới. Ví dụ như các loại trái cây và rau nhiệt đới, các loại gia vị, đồ nội thất bằng gỗ, các loại hải sản và nhuyễn thể nhiệt đới”.

Cần đầu tư vào khâu hình ảnh, thương hiệu để tăng độ nhận biết của khách hàng EU.
Cần đầu tư vào khâu hình ảnh, thương hiệu để tăng độ nhận biết của khách hàng EU.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer -Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thì: “Với sự ra đời của EVFTA và hàng rào thuế quan được hạ xuống, cơ hội mang lại cho cả hai bên là rất lớn. Đặc biệt, hàng nông sản Việt Nam dễ dàng XK sang EU”.

Tuy nhiên, các chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) đều cho rằng muốn tận dụng được cơ hội này, nông sản Việt cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà phía EU đưa ra. Theo ông Công, ngoài sức ép từ quá trình cạnh tranh gay gắt, nông sản Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.

Đây cũng chính là lý do khiến nông sản và thực phẩm của Việt Nam XK với số lượng lớn nhưng giá trị lại chưa cao. Ông Paolo Lemma -Tham tán thương mại Italia, chia sẻ: “Các sản phẩm thực phẩm muốn vào được thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm 100%. Cùng với đó, người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm cách đóng gói và thương hiệu của sản phẩm.

Thực tế cho thấy, thương hiệu nông sản đến từ Việt Nam chưa được nhận diện tốt ở EU. DN phải có bản sắc riêng của mình, thương hiệu của DN phải được nhận diện trước tiên. Hơn nữa, nhận diện thương hiệu không chỉ của một DN, mà cần phải cho người tiêu dùng EU biết tới nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý chứng minh sản phẩm đó là của Việt Nam”.

Bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng

Về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vào EU, bà Miriam Garcia Ferrer nhận định: “EU có lịch sử nhập khẩu nông sản từ rất lâu đời và với số lượng lớn từ các quốc gia như Australia, Nhật Bản… vì vậy EU đã đặt ra một quy chuẩn chung.

Quy chuẩn phải được xác định bởi các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu. Do đó, chúng tôi không có cơ chế đặc thù cho bất cứ quốc gia nào XK nông sản sang EU, và không có chuyện một quốc gia được đặc cách XK những sản phẩm dưới chuẩn”.

Ông Võ Văn Thường -CTCP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, nhìn nhận: “EU là thị trường khó tính, đưa ra tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, sản phẩm không chỉ phải đáp ứng chất lượng mà còn phải góp phần bảo vệ môi trường. Hàng năm, tiêu chuẩn đó cũng thường xuyên được nâng cấp.

Nông sản Việt Nam.

EVFTA sẽ thực sự mang lại cơ hội cho nông sản Việt Nam. Nhưng các DN nên nhớ rằng việc XK vào EU không nên chạy theo số lượng, mà cần đầu tư vào con người và hiện đại hóa hệ thống để đạt mức độ giá trị gia tăng tốt nhất”.

Theo đó, cần đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hiện nay, khoảng 70% nguyên liệu nông sản Việt Nam được thu mua từ nông dân, tỷ lệ DN tự đầu tư rất ít. Trong khi đó, nông dân lại chưa được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng an toàn, nên khó XK sang thị trường EU. Do đó cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và DN để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Chuyên gia Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: “Trong từng ngành hàng, DN cần có những bộ quy tắc sản xuất, tiêu chuẩn ISO của toàn bộ quá trình từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, hệ thống lưu trữ thật tốt vì EU yêu cầu phải trích xuất được nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm”.

(Theo Nông thôn Việt, 11/12/2018)