Chiều 30-12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng địa phương, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng và tạo uy tín thương hiệu nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các địa phương thời gian qua được chú trọng và tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ địa phương.
Nhiều chỉ dẫn địa lý được cấp cho các địa phương
Tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2653/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00082 cho tỏi An Thịnh (Bắc Ninh), đây là sản phẩm đầu tiên ở Bắc Ninh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và Ủy ban Nhân dân huyện Lương Tài, Bắc Ninh quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Tỏi An Thịnh có đặc tính khác biệt nhờ điều kiện địa lý độc đáo của vùng đất Lương Tài như thân và củ có màu tía, để khô có màu kem nhạt, trọng lượng từ 13-15 g/củ; vỏ mỏng; rễ củ ngắn, chắc, mùi thơm đặc trưng, cay nồng… Chính yếu tố đất đai, thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi An Thịnh.
Ngoài ra, các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như sử dụng giống bản địa, lựa chọn và bảo quản giống tốt, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác bằng phương pháp thủ công và kinh nghiệm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm tỏi An Thịnh. Việc cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp người dân nơi đây mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng, danh tiếng cho sản phẩm tỏi An Thịnh.
Trước đó, ngày 29/6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2421/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00081 cho sản phẩm tỏi “Lý Sơn” và Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Người Lý Sơn trồng giống tỏi trắng, giống tỏi này trồng ở Lý Sơn đã tạo nên đặc thù rất riêng biệt với củ tỏi màu trắng vôi, thịt củ màu trắng ngà có sắc xanh đặc trưng, mùi thơm dịu, vị cay dịu nhẹ, có vị ngọt, chính khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi Lý Sơn.
Sản phẩm tỏi được trồng ở Lý Sơn có hai dạng về hình thái củ, đó là tỏi nhiều tép và tỏi ít tép, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam.”
Bên cạnh yếu tố tự nhiên làm nên chất lượng tỏi Lý Sơn thì kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm.
Khi mùa vụ tỏi, người dân đã che phủ mặt ruộng tỏi bằng cát san hô để giảm bốc hơi nước, ổn định độ ẩm đất, bảo vệ bộ rễ của cây tỏi; Làm hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi và tác động trực tiếp của hơi muối biển đến cây tỏi, chống xói mòn và hạn chế bay lớp cát phủ bề mặt.
Người dân Lý Sơn ví những hàng rào bao bọc xung quanh ruộng tỏi như những “tấm áo” bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.
Cấp nhiều nhãn hiệu, chứng nhận độc quyền
Cũng trong tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt.”
Đây là những nhãn hiệu chứng nhận áp dụng cho sản phẩm được sản xuất tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo . Hai nhãn hiệu này đáp ứng các tiêu chí về bản đồ vùng chứng nhận và chất lượng theo quy định và được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 26 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung trong giấy chứng nhận, không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả giữa các đơn vị thành viên thuộc tổng công ty, công ty mẹ với công ty con và ngược lại; nghiêm cấm mọi hình thức đưa thông tin sai sự thật về nhãn hiệu chứng nhận hoặc lạm dụng nhãn hiệu chứng nhận gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 23 nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền.
Trước đó, ngày 27/6, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà rốt của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu cà rốt của địa phương cũng như đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quá trình canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích trên địa bàn, từ đó, thúc đẩy liên kết sản xuất, kinh doanh để gia tăng giá trị, hướng tới các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh cà rốt hiện là cây trồng chủ lực của huyện Gia Bình, mang lại giá trị kinh tế cao, tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Việc cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà rốt là công cụ pháp lý quan trọng chống lại những gian lận thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chú trọng bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ địa phương
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh việc cấp nhiều Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại địa phương và các văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cho thấy các địa phương, doanh nghiệp đã chú trọng đến việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các địa phương tiếp tục được chú trọng và tăng cường, các vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là xử lý bằng biện pháp hành chính, tăng mạnh cả về số vụ và số tiền phạt.
Điều này càng khẳng định nhận thức, sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp và các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với tài sản trí tuệ, đồng thời, cho thấy sự tích cực vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, công tác hướng dẫn xác lập quyền, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phát huy được hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ phát triển thương hiệu các đặc sản địa phương, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu cũng được chú trọng đầu tư, góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Định Hữu Phí khẳng định việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng địa phương, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng và tạo uy tín thương hiệu nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, là cơ sở pháp lý để loại bỏ những doanh nghiệp lợi dụng địa danh các sản phẩm đặc thù địa phương để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, giúp người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa ./.
(Theo VietnamPlus, ngày 01/08/2020)