Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Bài viết nghiên cứu: Phát triển thiết kế để nâng cao tính cạnh tranh - Bài học một số quốc gia

Ngày đăng : 01/12/2018

Giáo sư Bob Hayes của Trường kinh doanh Harvard, Mỹ từng nói: Mười lăm năm trước các công ty cạnh tranh về giá, hiện tại cạnh tranh về chất lượng nhưng ngày mai sẽ cạnh tranh về thiết kế…

Ảnh minh họa

Nhìn lại lịch sử phát triển có thể thấy rằng, thiết kế đóng một vai trò sống còn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ của các công ty mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng và trên hết là nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Từ năm 1845, Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng chính sách thiết kế để nâng cao năng lực cạnh tranh, Phần Lan cũng bắt đầu có chính sách thiết kế năm 1875 trước khi Mỹ bắt đầu triển khai từ 1913… Từ năm 1944, Chính phủ Anh đã thành lập Hội đồng Thiết kế quốc gia và hiện tại xác định rõ “trước năm 2020, Anh phải tạo ra được một nền kinh tế trí thức cân đối và bền vững trong đó thiết kế đóng một vai trò trung tâm và chủ chốt”. Đến nay trên thế giới đã có gần 50 quốc gia có các chính sách khác nhau về phát triển hệ thống thiết kế để tạo các giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trong đó có nhiều nước hỗ trợ phát triển hệ thống thiết kế rất toàn diện như Hà Lan, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Thái Lan… từ hỗ trợ hệ thống đạo tạo về thiết kế, quảng bá thiết kế, hỗ trợ các hoạt động thiết kế cho các doanh nghiệp đến xây dựng các chính sách thiết kế mang tầm chiến lược. Các nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) cũng chỉ ra rằng năng lực cạnh tranh của các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với năng lực thiết kế của quốc gia đó. Các quốc gia có thứ hạng năng lực cạnh tranh cao nhất hiện nay cũng chính là các quốc gia có năng lực thiết kế tốt nhất hiện nay.

Ảnh minh họa

Hàn Quốc là một trong những quốc gia triển khai chiến lược thiết kế quốc gia rất sâu rộng. Từ năm 1970 Chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập Trung tâm Thiết kế Hàn Quốc. Trong suốt những năm sau đó, Hàn Quốc đã luôn theo đuổi chiến lược thiết kế quốc gia với mục tiêu phải đạt được là đến năm 2007 các ngành công nghiệp thiết kế của Hàn Quốc sẽ ngang hàng với các quốc gia phát triển trên thế giới. Hàn Quốc cũng đưa ra chỉ tiêu tăng giá trị thiết kế từ 1.2% của GDP năm 2002 lên 3% GDP năm 2007 (tương đương 20 nghìn tỷ Won). Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các trung tâm thiết kế. Ở thành phố Seongnam, miền nam Seoul, Hàn Quốc đã cho xây dựng một Trung tâm thiết kế trên diện tích 47,000 m2 được trang bị trung tâm triển lãm, bảo tàng thiết kế, học viện thiết kế điện tử, trung tâm thông tin và một trung tâm tạo mẫu với các thiết bị hiện đại nhất. Hàn Quốc cũng đã xây dựng các Trung tâm thiết kế ở các vùng Gwangju, Busan và Daegu với chi phí xây dựng mỗi trung tâm lên tới 50 tỷ Won. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hình thành Sáng kiến Tư vấn Thiết kế và đã hỗ trợ thiết kế cho 4.676 doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ để cung cấp vốn vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển mẫu sản phẩm mới. Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu đưa ra chương trình dịch vụ hoàn hảo để giúp thương mại hóa và tiếp thị cho những thiết kế triển vọng của các doanh nghiệp.


Cũng đánh giá cao vai trò của thiết kế, Ấn Độ đã phê chuẩn chiến lược thiết kế quốc gia năm 2007. Chiến lược này đề cập đến các chính sách đào tạo, hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và xuất khẩu thiết kế. Thông qua chiến lược này, Ấn Độ ưu tiên việc liên kết với lĩnh vực kinh tế tư nhân để đào tạo hàng năm từ 5.000 đến 8.000 thiết kế và số lượng đào tạo hàng năm tăng từ 10-20%. Ấn Độ đã mở rộng và nâng cao Học Viện Thiết Kế Quốc Gia (NID) ở Ahmedabad và coi đây như một Trung tâm Tài năng toàn cầu về đào đạo thiết kế. 


Singapore cũng đã xây dựng chiến lược thiết kế quốc gia với hi vọng nâng cao vị thế của quốc gia này trở thành một trung tâm quốc tế hàng đầu về thiết kế và sáng tạo. Singapore đã thành lập Hội đồng thiết kế quốc gia từ năm 2003 để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, Singapore đặt mục tiêu tăng gấp đôi GDP từ 3% năm 2000 đến 6% năm 2012.

Ảnh hội chợ


Một trong những quốc gia gần Việt Nam nhất đã đầu tư rất mạnh mẽ những năm gần đây vào thiết kế và sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của sản phẩm – đó chính là Thái Lan. Chính phủ Thái Lan, cụ thể là Văn phòng Thủ tướng, trực tiếp thành lập và điều hành Trung tâm thiết kế và sáng tạo Thái Lan (TCDC) với cơ sở vật chất có thể nói là ít nước nào sánh kịp được xây dựng ngay tại Bangkok và có các chi nhánh tại các thành phố chính. Tại TCDC, Chính phủ đã trang bị trên 70,000 đầu sách về các vấn đề liên quan đến thiết kế và phát triển sản phẩm trên thế giới, trên 210 các loại tạp chí liên quan đến xu hướng thiết kế, 5,800 các loại phim tư liệu về công nghệ sản xuất … cùng với một hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến (online) khổng lồ về thị hiếu người tiêu dùng, phong cách sống, các thương hiệu lớn ở từng quốc gia cụ thể (hệ thống Pastport GMID), hệ thống dữ liệu về xu hướng được dự báo bởi các chuyên gia hàng đầu (WGSN), hệ thống hiệu ứng hình ảnh (STASH)… Đặc biệt chính phủ Thái cũng đã liên kết với ConneXion (Mỹ) để xây dựng một ngân hàng nguyên vật liệu mới phục vụ thiết kế với gần 8.000 các loại chất liệu khác nhau. Trung tâm thiết kế và sáng tạo Thái Lan đóng vai trò trụ cột trong việc tạo nên các sản phẩm mới mang tầm quốc gia với giá trị gia tăng rất cao của chương trình mỗi xã một sản phẩm của Thái Lan (OTOP).


Thực tế có nhiều quốc gia cũng như doanh nghiệp còn lưỡng tự trong việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết kế cũng như thiết kế phát triển sản phẩm, nguyên nhân chủ yếu ở đây là sự chưa tự tin về hiệu quả của việc đầu tư cho thiết kế. Tuy nhiên, hiệu quả của thiết kế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh là rất rõ ràng. Hội đồng thiết kế Anh đã tiến hành khảo sát 1,500 doanh nghiệp về hiệu quả của thiết kế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 100 bảng (£) doanh nghiệp chi cho thiết kế sẽ đem lại sự tăng doanh thu là 225 £ và thiết kế đã giúp các công ty tăng thêm khoảng 6.3% thị phần. Chính vì vậy, việc đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế quốc gia, từ hỗ trợ hệ thống đạo tạo về thiết kế, quảng bá thiết kế, hỗ trợ các hoạt động thiết kế cho các doanh nghiệp đến xây dựng các chính sách thiết kế thông qua các hoạt động cụ thể từ việc xây dựng các trung tâm thiết kế và sáng tạo, tổ chức các cuộc thi thiết kế, xây dựng các chương trình quảng bá thiết kế… thực sự là một giải pháp cấp bách trên cơ sở liên kết công tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam ./.

(Theo Lê Bá Ngọc, Vietcraft)