Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng: Những con số ấn tượng

Ngày đăng : 28/12/2020

Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng năng suất và hiệu quả; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,729 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,25% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Đây là các con số ấn tượng tại báo cáo về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020 được UBND thành phố Hà Nội cung cấp ngày 28-12.

Năng suất lao động trung bình 5 năm 2016-2020 tăng 5,74%. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực

Báo cáo cho thấy, giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện, đóng góp tích cực trong tăng trưởng cả nước. Giai đoạn 2016-2019, GRDP tăng bình quân 7,36% trong khung kế hoạch (7,3-7,8%).

Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tăng trưởng ước đạt 3,98% (kế hoạch là 7,5%) nên trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 6,68%. Trong đó, dịch vụ tăng 6,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,64%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,53%. Quy mô GRDP năm 2020 khoảng 43,4 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.215 USD, gấp khoảng 1,43 lần so với năm 2015.

Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (45,2%). Năng suất lao động năm 2020 ước đạt 251,4 triệu đồng (giá hiện hành), gấp 1,65 lần bình quân cả nước; tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2016-2019 đạt 6,14%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GRDP năm 2020 tăng thấp nên năng suất lao động tăng 4,13%, trung bình 5 năm 2016-2020 tăng 5,74%.

Cơ cấu theo các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng các nhóm ngành phi nông nghiệp luôn ở mức cao trong nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,75% lên 86,5%.

Theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã trở thành khu vực có đóng góp lớn nhất trong GRDP, với tỷ trọng đóng góp được nâng dần từ 37,5% năm 2015, lên 38,99% năm 2019.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thành phố đã huy động được nguồn vốn với quy mô tương đối lớn vào đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,729 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,25% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký trên 1,6 triệu tỷ đồng.

Tổng đầu tư xã hội đã dịch chuyển rõ nét và mạnh mẽ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét; khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015, xuống khoảng 34% năm 2020, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã thu hút mới 2.850 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 23,7 tỷ USD, gấp 3,7 lần giai đoạn 2011-2015; vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt trên 12,35 tỷ USD. Giai đoạn từ 2016 đến nay, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,916 tỷ USD (10,4% về thu ngân sách); cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp).

Nếu như năm 2015, đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp chiếm 1,02% thì đến năm 2020 chiếm 1,39% (tăng 0,37 điểm phần trăm); lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tương ứng từ 11,21% lên 11,77% (tăng 0,57 điểm phần trăm); lĩnh vực xây dựng từ 7,55% lên 8,19% (tăng 0,64 điểm phần trăm).

Đời sống người dân nông thôn được nâng cao

Cũng theo báo cáo, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt. Trong đó, cơ cấu nội ngành chăn nuôi có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nhóm gia súc, tăng tỷ trọng nhóm gia cầm và vật nuôi khác.

Đáng chú ý, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn, nhất là địa bàn mở rộng. Cùng với đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả rõ nét. Đến nay, Hà Nội đã có 13 huyện được công nhận “huyện nông thôn mới”; có 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đạt 96,3%.

Đời sống của người dân nông thôn được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm (gấp 1,36 lần năm 2016). Đặc biệt, thu nhập bình quân lao động của các làng nghề, làng nghề truyền thống khá cao, như: Hoài Đức, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh… đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu thu nhập cũng có sự chuyển dịch tiến bộ theo hướng tăng tỷ trọng hộ có thu nhập lớn nhất từ công nghiệp và xây dựng và từ dịch vụ, giảm tỷ trọng hộ có thu nhập lớn nhất từ nông nghiệp.

Về cơ cấu lại khu vực công nghiệp và dịch vụ, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đạt được nhiều thành quả. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 97%) trong giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghiệp công nghệ cao bắt đầu phát triển ở một số lĩnh vực, nhất là công nghiệp công nghệ thông tin. Năm 2020, Hà Nội có 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm hơn 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, trong đó 12 doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển, trên địa bàn đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030. Hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin được chú trọng phát triển, doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD (cả phần cứng và mềm), chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng. Giá trị gia tăng các ngành dịch vụ trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 6,43%, là khu vực có đóng góp lớn nhất vào gia tăng GRDP của thành phố.

Ngành thương mại phát triển ổn định. Hạ tầng thương mại được quan tâm phát triển: 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ; hơn 11,4 nghìn trang web, thương mại điện tử, doanh thu chiếm khoảng 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Ngành du lịch được chú trọng phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mức tăng doanh thu từ du lịch bình quân đạt 12,1%/năm; năm 2019 đón hơn 7 triệu khách quốc tế, Hà Nội nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới.

Hoạt động kinh doanh tiền tệ - tín dụng - ngoại hối - thanh toán của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt kết quả đáng ghi nhận. Vốn huy động liên tục tăng, đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu của nền kinh tế. Các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại được phát triển đa dạng. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn 1,91% tổng dư nợ.

Báo Hà Nội Mới.