Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Nổi danh làng nghề rèn Đa Sỹ

Ngày đăng : 20/07/2018

Nằm bên dòng sông Nhuệ thuộc quận Hà Đông (Hà Nội), làng cổ Đa Sỹ từ lâu được biết đến với nghề rèn truyền thống. Những năm gần đây, với việc đa dạng các sản phẩm dao, kéo đã tăng thu nhập cho các hộ dân nơi đây.

Nghề rèn Đa Sỹ

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ sản xuất lao động. Phải đến thời nhà Trần, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hoá truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn để tạo ra các sản phẩm tinh xảo.

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng đôi bàn tay ông Lê Văn Phấn vẫn thoăn thoắt đánh búa vào phôi thép đỏ rực vừa được rút từ trong lò than, chả mấy chốc miếng phôi đã định hình thành một con dao. Gia đình có truyền thống làm dao, kéo ở Đa Sỹ từ nhiều đời nên ông Phấn được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ. Theo ông, để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt rất công phu, khâu quan trọng, đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội.

Qua khâu rèn trong lửa, thì đến công đoạn gọt cánh (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo hình dáng hoàn chỉnh cho sản phẩm. Người thợ gọt cánh phải kẹp con dao giữa hai thanh tre đặt nghiêng 45 độ thì lưỡi dao mới có độ mỏng đều và sắc. Các công đoạn tiếp theo là mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường được người già, phụ nữ và thiếu niên đảm nhiệm, bởi khâu này không đòi hỏi sức lực cũng như kỹ thuật cao. Cũng theo ông Phấn, mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén.

(Theo Vietcraft.org.vn)