Chiều 30-12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Ngày 07/4/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch Ứng Hòa nhằm làm mới các sản phẩm cũ, tìm điểm nhấn và phương hướng khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của huyện. Tham dự chương trình khảo sát có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.
Du khách tham quan Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn.
Đa dạng tiềm năng
Ứng Hòa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Theo kết quả kiểm kê di tích năm 2014, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 433 di tích trong đó có 173 di tích cấp quốc gia và thành phố, nổi bật là di tích đình Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình), chùa Trần Đăng (xã Hoa Sơn), đền Hữu Vĩnh (xã Hồng Quang)… Cùng với đó là 64 lễ hội truyền thống, hàng trăm lễ hội của thôn, làng, trong đó có những lễ hội mang tầm quốc gia như Lễ hội đền Đức thánh Cả, Lễ hội tam thôn xã Phương Tú, Lễ hội Hòa Xá, Lễ hội thôn Quảng Nguyên…
Ngoài ra, Ứng Hòa còn có 21 làng nghề được UBND thành phố công nhận với các ngành nghề chủ yếu như chẻ tăm hương, giày dép da, dệt may, sơn mài, tre đan, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai… Những năm qua, huyện đã bảo tồn, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống; xây dựng thương hiệu làng nghề, phát triển nhãn hiệu tập thể “Làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá” (xã Hòa Lâm), Làng nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc Đào Xá (xã Đông Lỗ) và Làng nghề sản xuất giày da thôn Thần (xã Minh Đức).
Trên địa bàn huyện hiện có 41 cơ sở kinh doanh lưu trú đang hoạt động, trong đó có 1 khách sạn (được xếp hạng 3 sao), 40 nhà nghỉ. Hiện nay, Ứng Hòa đã xây dựng một số quy hoạch phát triển du lịch như: Khu du lịch tâm linh đền Đức Thánh Cả, Khu du lịch Làng nghề may áo dài Trạch Xá, Khu du lịch sinh thái làng Choòng, Khu ẩm thực Vân Đình.
Tuy nhiên, Ứng Hòa chưa khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cũng như khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Thủ đô; sản phẩm du lịch còn mờ nhạt, thiếu tính đặc sắc nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư. Vì thế, sau chương trình khảo sát, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đã cùng tọa đàm, đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm hướng phát triển, tạo sức bật cho du lịch Ứng Hòa trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát thăm di tích An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ (chùa Choòng).
Đi tìm sản phẩm đặc trưng
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho rằng, huyện Ứng Hòa cần chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan, sản phẩm nông sản… của huyện để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn. Bên cạnh đó, phải kéo dài thời gian lưu trú, níu chân du khách qua các sản phẩm, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
"Chỉ cần đón được 3 triệu khách từ thị trường Hà Nội, du lịch Ứng Hòa đã có thể khởi sắc với điều kiện phải xây dựng được các sản phẩm khác biệt, có lợi thế cạnh tranh hơn so với các địa phương lân cận”, ông Quang nói.
Nhấn mạnh đến lợi thế cạnh tranh của địa phương, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Trưởng phòng Hướng dẫn, Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho rằng, huyện nên tăng cường tính liên kết tuyến và liên kết vùng để phát triển, trong đó có 3 tuyến có thể tạo “cú hích” cho du lịch “cất cánh”, đó là: Trung tâm Hà Nội - chùa Hương, Hà Nội - Tam Chúc (Hà Nam), Hà Nội - Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Ngoài việc nâng cấp hạ tầng giao thông, huyện cần đầu tư, cải tạo môi trường Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, xây dựng nhà vệ sinh công cộng và tạo cảnh quan sạch đẹp cho làng nghề. Cùng với đó, huyện cũng nên quy hoạch lại mặt tiền Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn và bổ sung tài liệu, hiện vật, cải tiến trưng bày để thu hút khách quốc tế.
Đoàn khảo sát thăm Làng nghề may áo dài Trạch Xá.
Là người có nhiều năm gắn bó với Làng nghề may áo dài Trạch Xá, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn Ngô Quý Đức hiến kế: Huyện Ứng Hòa cần đầu tư cho Trạch Xá phòng trưng bày, nơi nghỉ ngơi cho du khách. Để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách, các công ty du lịch có thể tổ chức tour trải nghiệm đạp xe, tìm hiểu nghề may áo dài, học các kỹ thuật may đơn giản do nghệ nhân hướng dẫn tại làng Trạch Xá...
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp để tăng tính hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh cho du lịch Ứng Hòa. Theo ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội), Ứng Hòa có thể tăng cường công tác quảng bá hình ảnh du lịch huyện bằng việc tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm áo dài và ẩm thực tại hai hội chợ lớn của Hà Nội trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh mong muốn thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội và các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành trong công tác xây dựng sản phẩm, truyền thông quảng bá và đầu tư phát triển cơ sở lưu trú trên địa bàn. “Với các tiềm năng, lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và cảnh quan, Ứng Hòa sẽ chú trọng đến việc phát triển du lịch nông nghiệp, khai thác tối đa lợi thế “vành đai xanh” với môi trường, cảnh quan sạch đẹp để thu hút du khách và phát triển du lịch một cách bền vững”, bà Vân Anh nói.
Tham gia chương trình, đoàn khảo sát đã tới thăm Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn (xã Hòa Xá), đền Đức thánh Cả (xã Hồng Quang), Làng nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm), An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ (chùa Choòng) và Nhà Diều (xã Trầm Lộng) và Làng văn hóa thôn Trần Đăng (xã Hoa Sơn).
(Theo Linh Tâm, Báo Hà nội mới, ngày 07/4/2022)