Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Xuất nhập khẩu- Thành quả nhờ cải cách thể chế

Ngày đăng : 03/09/2018

10 năm qua, xuất nhập khẩu (XNK) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao không chỉ giúp mang lại ngoại tệ cho đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn giúp vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Bước tiến vượt bậc

Nhìn lại thời kỳ thực hiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ngoại thương hoàn toàn do nhà nước độc quyền, mọi hoạt động XNK đều do các công ty nhà nước thực hiện, hiệu quả không cao. Bước vào giai đoạn đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới và quyết tâm thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng độc lập, tự chủ và rộng mở. Từ văn bản này, liên tục sau đó, hoạt động thương mại dần dần được khuyến khích, mở rộng sang các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tiến tới tự do hóa XNK. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác kinh tế quốc tế.

thanh qua nho cai cach the che
Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Chính sách đổi mới mở ra cơ hội tăng trưởng XNK rõ nét. Năm 1986, kim ngạch XNK cả nước đạt 2,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 789 triệu USD, nhập khẩu (NK) đạt 2,15 tỷ USD, nhập siêu chiếm đến 173% tổng kim ngạch XK. Nhưng đến năm 2006, kim ngạch XNK đã đạt 84,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt 39,8 tỷ USD; kim ngạch NK đạt 44,9 tỷ USD. Nhập siêu chỉ còn 5,1 tỷ USD, chiếm 12,8% kim ngạch XK.

Dấu mốc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đã thực sự mở ra trang mới cho hoạt động XNK. Từ đó đến nay, Việt Nam đã chủ động và kiên trì đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được về kinh tế đối ngoại, nhất là ngoại thương và đầu tư nước ngoài từ sau khi gia nhập WTO tới nay đã chứng tỏ đường lối hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo điều kiện tăng trưởng XNK, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Bằng chứng là, cứ sau khoảng 5 năm, giá trị XNK của nước ta đã tăng gấp đôi, đi liền với đó là quy mô nền kinh tế cũng tăng theo. Cụ thể, ngày 1/12/2007 ghi nhận XNK lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 77,4 tỷ USD). Bốn năm sau, tới ngày 24/12/2011, ghi nhận mốc 200 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 133 tỷ USD). Đến năm 2017, con số này đã tăng gấp 2 lần lên mốc 400 tỷ USD (quy mô nền kinh tế đạt trên 200 tỷ USD).

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm (2007 – 2017), trị giá kim ngạch XNK cả nước tăng thêm 4 lần.

Không chỉ chuyển biến mạnh mẽ ở số liệu tổng thể, cơ cấu hàng hoá XNK cũng thay đổi tích cực. Cụ thể, nhóm nông - lâm - thủy sản trước chiếm 25%, thì nay còn 12%; còn 88% là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng gia tăng. Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan - đối thủ số 1 trên thị trường.

Giữ vững vị thế

7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận, đạt 266,17 tỷ USD. Cả XK và NK đều giữ được nhịp tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, trong đó XK đạt 134,51 tỷ USD, tăng 16%; NK là 131,66 tỷ USD, tăng 11,1%. Xuất siêu ở mức 2,8 tỷ USD là kết quả rất khả quan, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đe dọa ảnh hưởng đến hoạt động XNK nước ta.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, dù là nước có độ mở kinh tế lớn, nhưng Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô hết sức thận trọng. Vì vậy, về ngắn hạn, sẽ có một số diễn biến bất lợi nhưng dài hạn vẫn đủ sức chống chọi với các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cũng có các dự phòng nhất định, nhất là việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn một số Hiệp định Thương mại tự do mới như: Hiệp định Đối tác chiến lược Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)... để giảm thiểu rủi ro và tìm các thị trường mới cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, Luật Quản lý Ngoại thương được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã có các biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả của quản lý nhà nước về XNK. Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam đã chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại các diễn biến bất lợi của biến động trong thương mại quốc tế.

"Do đó, dù quan ngại về các diễn biến thương mại quốc tế nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn tin tưởng về khả năng của nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động hơn để kịp thời nắm bắt các diễn biến mới và có bước đi kịp thời" – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

(Theo congthuong.vn, 3/9/2018)