Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản: Mở ra nhiều cơ hội mới

Ngày đăng : 16/03/2018

(HPA) Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản được tổ chức ngày 23/3/2018 sắp tới sẽ mang đến nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, kết nối nhiều đối tác du lịch.

Trong khuôn khổ Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức “Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” vào ngày 23/3/2018 tại khách sạn Melia Hà Nội. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc gặp gỡ ngắn phỏng vấn ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) - đơn vị được giao làm đầu mối chủ trì tổ chức Hội nghị về các nội dung liên quan. HPA xin giới thiệu với quý độc giả nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Ông có thể cho biết, Hà Nội đã có sự chuẩn bị thế nào trước thềm Hội nghị nhằm thực hiện các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, du lịch và tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường Nhật Bản?

Ông Nguyễn Gia Phương:

Trong khuôn khổ Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 năm 2018, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản vào ngày 23/3/2018. Sự kiện này là một trong số các hoạt động bên lề của Lễ hội và hướng tới trở thành hoạt động được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư tại Hà Nội; thúc đẩy, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Hà Nội; Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, du lịch tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường Nhật Bản; tiếp xúc trực tiếp với các đối tác đầu tư mở rộng hợp tác kinh doanh, sản xuất hàng hóa; tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực để kêu gọi đầu tư các dự án tại Hà Nội, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với 9,11 tỷ USD (chiếm 25,4% tổng vốn FDI).

Với Hà Nội, lũy kế đến nay, Nhật Bản đứng thứ hai danh sách các quốc gia đầu tư vào Hà Nội với 5,38 tỷ USD.

Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong số các quốc gia mà DN Nhật Bản quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Nhằm thực hiện các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vưc đầu tư, du lịch và tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường Nhật Bản, thời gian qua thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành và HPA tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, cụ thể:

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2017, thành phố Hà Nội đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản. Thủ tướng đã chứng kiến trao giấy chứng nhận đầu tư, ký kết các biên bản ghi nhớ đầu tư với các đối tác Nhật Bản với tổng trị giá trên 5 tỷ USD đầu tư vào Hà Nội. Kèm theo đó là các hoạt động Tuần hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại AEON có quy mô 50 gian hàng của 36 doanh nghiệp Hà Nội và 19 tỉnh, thành trong cả nước, kết hợp khảo sát công nghệ sản xuất quà tặng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch tại Nhật Bản. Hiện nay, các dự án đã cơ bản triển khai xong các thủ tục như: Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông; Dự án đô thị thông minh trên trục đường Nhật Tân – Nội Bài.

Phối hợp với Công ty TNHH MTV Forval Việt Nam thiết lập Bàn thông tin Nhật bản - "Japan Desk" đặt tại trụ sở HPA để cung cấp thông tin về môi trường đầu tư tại Hà Nội; hỗ trợ thông tin, giới thiệu đối tác đầu tư; tổ chức, phối hợp và thu thập ý kiến về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn; hỗ trợ các thủ tục, cung cấp dịch vụ lập hồ sơ cho các DN Nhật Bản có dự định đầu tư vào Hà Nội…

Tổ chức các sự kiện hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch trong và ngoài nước gắn với các lễ hội văn hóa, du lịch của Nhật Bản.

Tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương (business matching) giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Hà Nội (cả trong và ngoài nước).

Cuối năm 2017, HPA đã thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản về những khó khăn, khúc mắc, cũng như những lĩnh vực cần thành phố hỗ trợ trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA qua các năm nhằm mở rộng, thu hút thị trường khách du lịch Nhật bản vào Hà Nội, Việt Nam, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, khảo sát tuyến điểm để tổ chức đưa khách du lịch Việt nam sang Nhật Bản.

Tiếp cận kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ thông qua việc ứng dụng văn hóa ứng xử “Omotenashi”, HPA đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Forval Việt nam và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo giới thiệu về văn hóa ứng xử trong hoạt động dịch vụ “Omotenashi” của Nhật Bản nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về cải thiện chất lượng dịch vụ, qua đó tăng cường hiệu quả của ngành dịch vụ Hà Nội.

Ngoài ra, HPA đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi làm việc với hiệp hội, các nhà đầu tư Nhật Bản đến Hà Nội tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và kết nối với các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp Hà Nội.

Phóng viên: Trong phần ký các Biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực Du lịch, ông có thể cho biết danh sách đối tác mà Hà Nội sẽ ký kết? Hà Nội kỳ vọng điều gì sau lễ ký kết?

Ông Nguyễn Gia Phương:

Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến sẽ tiến hành ký kết một số Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Nhật bản với các cơ quan, doanh nghiệp của Thành phố, nội dung ký kết trong các lĩnh vực sau:

- Dự án nông nghiệp công nghệ cao;

- Xây dựng trang web nông sản an toàn;

- Hợp tác giáo dục và đào tạo kỹ năng ứng xử của cán bộ trong hoạt động dịch vụ thương mại – du lịch;

- Hợp tác trong lĩnh vực du lịch;

- Hợp tác trong lĩnh vực y tế.

Các Biên bản ghi nhớ sẽ là cơ sở để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, cụ thể hóa các nội dung đã ký kết đảm bảo thiết thực, hiệu quả, mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.

Phóng viên: Hội nghị này sẽ tác động thế nào với mục tiêu phát triển mà du lịch Hà Nội đặt ra trong năm 2018, những năm tiếp theo và sau lễ ký kết?

Ông Nguyễn Gia Phương:

Năm 2017 được coi là năm tương đối thành công với ngành du lịch Hà Nội khi mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt con số ấn tượng 5 triệu lượt khách, trong đó lượng khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội khoảng 290 nghìn người, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều trong 4 năm trở lại đây.

Mục tiêu năm 2018, Hà Nội phấn đấu đón trên 25,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 75.783 tỷ đồng.

Là thị trường hàng đầu có lượng khách lớn đến Hà Nội, Thành phố luôn xác định Nhật Bản là thị trường trọng điểm cần tập trung giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của Thủ đô để thu húthơn nữa sự quan tâm của khách du lịch Nhật bản đến với Hà Nội.

Vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có những đầu tư ưu tiên cho ngành du lịch, nhất là trong lĩnh vực xây dựng sản phẩm mới, hạ tầng du lịch và quảng bá hình ảnh. Du lịch Hà Nội đang có những bước đi mới, thậm chí là đột phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Các sản phẩm du lịch của Thành phố đang được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển.

Thời gian tới, Thành phố tập trung phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Trong đó, Thành phố xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của du lịch Hà Nội để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước./.

HPA