Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Thảo luận về mô hình chính quyền đô thị và tình hình kinh tế-xã hội

Ngày đăng : 01/10/2018

Sáng nay (1-10), Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị lần thứ mười lăm xem xét, thảo luận 4 nội dung quan trọng.

Quang cảnh hội nghị

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy...

Bốn nội dung được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thảo luận gồm: Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018; dự thảo Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị.

 Hai phương án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị

Mở đầu hội nghị, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án mô hình thí điểm chính quyền đô thị TP Hà Nội trình bày tóm tắt dự thảo Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Theo đó, Đề án nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (đô thị đặc biệt), trong đó tập trung quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.

Đề án xác định 5 nguyên tắc, trong đó bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền đô thị; bảo đảm phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị, xây dựng chính quyền đô thị thực sự là của dân, do dân, vì dân. Tổ chức thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị phải bảo đảm tính tập trung, thống nhất, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả cao. Quá trình tổ chức thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội phải bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của Thủ đô và có bước đi, lộ trình phù hợp...

Dự thảo Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đề xuất 2 phương án định hướng thiết kế thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy.

Dự thảo Đề án đã phân tích chi tiết đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Cả 2 phương án đều được đề xuất trên cơ sở lý luận về tổ chức chính quyền đô thị, thực tiễn tổ chức chính quyền TP Hà Nội hiện nay, cũng như bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030. Nội dung của 2 phương án không mâu thuẫn nhau, chỉ khác nhau về mức độ cải cách, đổi mới đối với chính quyền các cấp của TP Hà Nội từng bước, theo lộ trình, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.

Trong 2 phương án, Tổ soạn thảo đề nghị thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo phương án 1. Lựa chọn này được cho là phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn; đặc điểm, đối tượng quản lý và sự tương thích của hệ thống chính trị của TP Hà Nội theo lộ trình cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.

9 tháng, kinh tế Thủ đô ước tăng 7,17%

Báo cáo do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày tại hội nghị cho thấy, GRDP trên địa bàn Thủ đô Hà Nội 9 tháng năm 2018 tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ là 6,87%). Trong đó, công nghiệp ước tăng 7,7%, xây dựng ước tăng 8,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,9%... Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, vượt lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng…Tổng vốn đầu tư phát triển 9 tháng năm 2018 ước đạt 219,44 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến nay đạt 248,75 nghìn doanh nghiệp.

Thành phố đã phê duyệt: Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030; Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025. Cung ứng điện năng được bảo đảm tốt, không để thiếu hụt trong những đợt cao điểm. Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; giá cả thị trường cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 9,4%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng qua tăng khoảng 3,94%-3,98%. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6%.

Ngành Du lịch cũng đạt kết quả ấn tượng với việc đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Sản xuất nông nghiệp 9 tháng cơ bản thuận lợi, giá nông sản ổn định trong nửa đầu năm và tăng nhẹ vào quý III đã tạo điều kiện kích thích sản xuất, kinh doanh. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, quy mô vật nuôi tăng so với cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, thành phố có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,16%. Dự kiến cuối năm 2018, có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386, chiếm 83,94%; có thêm 4 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số lên 8 huyện.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội trong 9 tháng năm 2018 cũng đạt những bước tiến mới. Trong đó, thành phố đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp tại 6 sở, quận, huyện... Đã có 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 29,3%). Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, toàn diện; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 tăng 2 bậc, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố...

Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tốt, kịp thời cập nhật tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô tới nhân dân. Các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa được chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện trang trọng, tiết kiệm và an toàn. Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chất lượng được nâng cao. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,16% (cả nước 97,57%), tỷ lệ học sinh hoàn thành Chương trình THCS đạt 99,26%, hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Lĩnh vực y tế tiếp tục được cải cách, hoàn thiện quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được tăng cường về tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra trên diện rộng.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị

9 tháng năm 2018, thành phố đã giải quyết việc làm cho 151 nghìn lao động, tăng 18,8% so với cùng kỳ; an toàn lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động tiếp tục được tăng cường quản lý. Thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 84,9%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra, nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung nhiều khu đô thị, cơ quan, trường học. Tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động chậm (dự kiến năm 2018 đạt 58,1%, trong khi chỉ tiêu cuối nhiệm kỳ là 100%). Việc thi công xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ trường mầm non và THPT đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Nhiều trường trong khu vực nội thành có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt tiêu chuẩn quy định. Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn cao hơn trung bình cả nước, thu nợ đạt thấp (16,5%). Tuyển sinh dạy nghề còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển sinh trình độ trung cấp và cao đẳng; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chậm.

Trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; hoàn thành những nhiệm vụ còn lại trong 188 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 34/CTr-UBND; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018. Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, triển khai thực hiện hiệu quả tháng khuyến mại; kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, nhất là trong dịp cuối năm chuẩn bị Tết Nguyên đán 2019. Chủ động, sẵn sàng cho công tác phòng, chống lụt, bão, úng theo phương án được duyệt... Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong các tháng cuối năm; hoàn thành Kế hoạch xây dựng, sửa chữa 4.046 ngôi nhà cho người nghèo; phân loại các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó thanh tra, kiểm tra và thực hiện đôn đốc thu nợ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động. 
  

Đa số ý kiến đề xuất lựa chọn phương án 1

Cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, 13 ý kiến thảo luận sáng nay đều đồng tình đánh giá cao dự thảo Đề án, cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học.

Cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án, song Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề xuất thêm: Thứ nhất là xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với từng nội dung. Thứ hai là chuẩn bị đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu theo chính quyền đô thị thật chắc để đáp ứng yêu cầu. Thứ ba là phải phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Công an để chuẩn bị kỹ việc trình, ban hành các nghị định liên quan. Thứ tư là có cơ chế giám sát để cán bộ, chính quyền tuân thủ theo pháp luật.

Thống nhất rất cao với dự thảo Đề án cũng như nhất trí lựa chọn phương án 1, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Quang Thiều cho rằng, năm 2021 là thời điểm phù hợp để bắt đầu thực hiện Đề án. Trong khi đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, dự thảo Đề án đã được xây dựng rất công phu, tham khảo cả trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo từ trung ương đến cơ sở, có sự tham gia góp ý của các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, luận giải các vấn đề liên quan... Bổ sung vào dự thảo Đề án, đồng chí Nguyễn Hoài Nam đề xuất điều chỉnh thêm về cách viết để làm rõ đề án là bỏ 1 cấp chính quyền, chứ không phải chỉ bỏ HĐND.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh đánh giá, Đề án rất công phu, cơ bản đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị về thực hiện Đề án, nên mạnh dạn bỏ hẳn cấp phường, chỉ đặt cơ quan đại diện của quận ở phường.

Kiến nghị giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tham luận tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 của thành phố. Về phía huyện Đông Anh, 9 tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế đạt 12%, mức khá cao so với cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả rõ nét, xây dựng nông thôn mới đạt tiến độ khá trên nhiều chỉ tiêu…

Nhấn mạnh sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Quang Thiều cho rằng, kết quả này đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội Thủ đô đạt kết quả cao trong 9 tháng vừa qua. “Hiện tại, trên địa bàn có 147 dự án đang thực hiện, với diện tích phải thu hồi lên tới 408 ha, liên quan hơn 10.000 hộ dân. Quận Bắc Từ Liêm xác định phải làm tốt công tác lập hồ sơ kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và không phát sinh khiếu nại phức tạp. Quận cũng kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch các dự án trên địa bàn quận nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của nhân dân” - đồng chí Nguyễn Quang Thiều nói.

Thông báo những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực mà quận Tây Hồ, huyện Phúc Thọ, huyện Thanh Trì… đã đạt được trong 9 tháng vừa qua, các quận, huyện này cũng có nhiều kiến nghị với thành phố nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong năm 2018.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú kiến nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, sớm có quy hoạch, lộ trình và kế hoạch sử dụng đất để tránh làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng kiến nghị thành phố đốc thúc tiến độ các dự án nhằm phát triển kinh tế du lịch theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; thí điểm lắp camera an ninh ở địa bàn các quận. 

Đồng chí Trần Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì kiến nghị thành phố quan tâm đến chính sách tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn huyện nhằm bảo đảm phục vụ thi công đúng tiến độ.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị
Thông báo kết quả khả quan trong công tác thu – chi ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô 9 tháng vừa qua, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho rằng, những kết quả đạt được đã thể hiện rõ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND và HĐND thành phố cũng như quyết tâm, nỗ lực của từng quận, huyện, thị xã trong việc hoàn thành nhiệm vụ tài chính, ngân sách. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính cũng đặc biệt lưu ý, kết quả thu từ đất của một số huyện đạt thấp, một số huyện thậm chí chưa có kết quả đấu giá nên cần phải tập trung rà soát, bổ sung kịp thời. Liên quan đến việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đồng chí Hà Minh Hải đề nghị các đơn vị thiết lập đầy đủ cơ sở dữ liệu sát với thực tế nhằm xây dựng dự toán vừa đúng quy định, vừa sát với thực tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, qua “bức tranh” thu ngân sách có thể thấy, dù khoản thu từ đất của Hà Nội có chững lại, song cơ bản, số thu của các quận, huyện đều đạt và vượt dự toán. Nhiều quận, huyệt đạt kết quả rất khả quan như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… Trong 3 tháng cuối năm, ngành Thuế Hà Nội phải thu 68.500 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành Thuế Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các quận, huyện, sở, ngành đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất, tích cực thu hồi nợ thuế, đồng thời đưa ra 10 giải pháp cụ thể nhằm thu đúng, thu đủ các khoản thu vào ngân sách nhà nước…

Theo Trưởng ban Kinh tế-ngân sách HĐND thành phố Phạm Thanh Mai, dự kiến thành phố sẽ đạt và vượt 19/20 chỉ tiêu đề ra trong năm nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thành phố cần đặc biệt tập trung thực hiện một số chỉ tiêu khó như: Cấp nước sạch nông thôn, công nhận lại trường chuẩn quốc gia, trạm y tế chuẩn quốc gia... Một chỉ tiêu khác dự báo cũng rất khó khăn, phải được tập trung cao độ là chỉ số giá tiêu dùng, vì đến nay, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố đã ở mức 3,99% - cao hơn cùng kỳ năm trước (3,51%). Các ban HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, giao đất dịch vụ, đánh giá tác động của một số luật, nghị định mới có hiệu lực...

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đã có 13 ý kiến đóng góp vào hai nội dung về phát triển kinh tế-xã hội và dự thảo Đề án Thí điểm theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội. Theo đó, cơ bản các ý kiến đều thống nhất phương án 1, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị phải có lộ trình cụ thể, đề ra nội dung công tác đào tạo cán bộ bảo đảm đáp ứng được yêu cầu mới; có cơ chế giám sát bộ máy chính quyền; đến năm 2026, bỏ HĐND cấp phường, xã, thị trấn...

Về tình hình kinh tế-xã hội, theo Chủ tịch UBND thành phố, cơ bản đại biểu đồng ý với kết quả của thành phố 9 tháng qua, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành; một số ý kiến minh họa bổ sung... Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị rà soát Nghị quyết của HĐND thành phố về sữa học đường, các dự án chậm tiến độ... 

Trao đổi thêm về một số ý kiến đề nghị thí điểm lắp camera ở các địa bàn dân cư để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện nay thành phố đang triển khai thí điểm lắp camera và ứng dụng công nghệ cảm biến ở quận Long Biên. Theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, thời gian tới, thành phố sẽ lắp tiếp ở các quận và một số huyện.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị Tổ soạn thảo Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, để kịp thời bổ sung, hoàn thiện các báo cáo.

Rà soát các chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2018

Tiếp theo, hội nghị đã nghe Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày Báo cáo tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 9 tháng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018 và dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị.

Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 9 tháng năm 2018 nêu rõ: Đảng bộ thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Nổi bật là tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất; hoàn thành công tác sơ kết, kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và các cấp ủy trực thuộc. Thành phố đã triển khai tích cực việc xây dựng Đề án Thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Tiếp tục nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên được quan tâm chỉ đạo. Đảng bộ thành phố chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là cấp chi bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tiếp tục được đổi mới, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của Thành ủy “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. 

Tuy nhiên, công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông tin tình hình cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp ở một số cấp ủy chưa kịp thời. Công tác đánh giá cán bộ, công chức theo quy định vẫn còn hạn chế. Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm và giải ngân xây dựng cơ bảo còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều công trình còn vướng mắc và phức tạp. Vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn không ít hạn chế, còn để xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình là vụ cháy xảy ra tại Đê La Thành, phường Ngọc Khánh. 

Việc quản lý một số lễ hội còn hạn chế, công tác phòng, chống, vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy còn yếu kém và để xảy ra vụ việc đáng tiếc tại lễ hội âm nhạc điện tử trên địa bàn quận Tây Hồ. Việc chủ động phát hiện và triệt phá một số tai tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn bảo kê tại các chợ, bến xe trên địa bàn còn hạn chế...

Trong những tháng cuối năm, Đảng bộ thành phố sẽ rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2018 để tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2018; sớm xây dựng chương trình kế hoạch công tác năm 2019 để triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung hoàn thiện Đề án Thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 12-2018.

Đánh giá cán bộ hằng tháng phát huy hiệu quả
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị
Đầu phiên làm việc chiều nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 9 tháng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018 và dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị.

Là người phát biểu thảo luận đầu tiên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng, các công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện được triển khai thực hiện rất thuận lợi, nhờ sự chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các ban Đảng Thành ủy. Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến bày tỏ nhất trí cao với báo cáo công tác xây dựng Đảng và dự thảo Quy định nêu trên. Nhấn mạnh về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Quận ủy Ba Đình cho rằng, việc thành phố quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” và Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” đã tác động mạnh xuống cơ sở, thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đồng chí Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, thời gian tới, quận sẽ tập trung khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo như vụ cháy ở đường Đê La Thành và việc mất an ninh trật tự tại chợ Long Biên.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương khẳng định, nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, cụ thể, “đều tay” của Thành ủy, các cấp ủy địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị rất thuận lợi, đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, nhiều đại biểu đánh giá cao việc Thành ủy Hà Nội ban hành quyết định, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện việc đánh giá cán bộ hằng tháng. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, việc đánh giá cán bộ hằng tháng đã khắc phục cơ bản những hạn chế về đánh giá cán bộ hằng năm trước đây. Nhờ thực hiện quy định đánh giá hằng tháng, cán bộ, công chức, viên chức đã có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, gần dân hơn; các việc tồn đọng ít đi. Việc ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cũng rất thuyết phục. Huyện đã giao cho các xã cụ thể hóa với từng nhóm đối tượng, ngoài việc đánh giá theo chiều ngang, huyện triển khai thêm việc đánh giá theo chiều dọc dựa trên việc theo dõi, đánh giá của các phòng, ban chuyên môn của huyện.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết, huyện đã triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng từ tháng 7-2018. Kết quả thực hiện từ đó đến nay cho thấy, việc đánh giá thực chất hơn, thôi thúc đội ngũ cán bộ chủ động, tích cực trong công tác. Cho rằng, việc đánh giá cán bộ hằng tháng tạo ra sự chuyển biến toàn diện về thái độ, tác phong và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ còn nhận định, công tác cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng cũng có nhiều chuyển biến. Việc hội họp được triển khai khá tốt và kịp thời.

Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ, bảo đảm thực chất, hiệu quả, chỉ ra những mặt ưu, nhược điểm giúp các cấp, các ngành đề ra giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra vào cuối nhiệm kỳ.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ

 Đại biểu thảo luận tại hội nghị
Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày 3 phần, 7 chương, 29 điều với nhiều nội dung đổi mới so với quy định hiện hành.

Cụ thể, theo quy định, về thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định phê duyệt quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, bao gồm cả chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; giao quyền quyết định phê duyệt quy hoạch cấp ủy cho Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Quy định mới này khác quy định trước đây là chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy do Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt; chức danh Ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc được Ban Thường vụ Thành ủy ủy quyền cho Ban Tổ chức Thành ủy phê duyệt.

Trong khi đó, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử, dự thảo Quy định mới làm rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tập thể đề xuất; của cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ và các cơ quan liên quan; của tập thể quyết định trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo tinh thần này, trước khi báo cáo, đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (kể cả nhân sự chỉ định bổ sung tham gia cấp ủy), các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành thành phố ngoài việc nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu, khuyết điểm, phải thực hiện việc thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Thảo luận về quy định này, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo, đồng thời đánh giá cao việc đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội Trịnh Huy Thành cho rằng, quy định mới rất rõ ràng, rành mạch, khi được ban hành sẽ rất dễ thực hiện. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng, đây là lần đầu tiên có một văn bản chính thức về phân cấp với những quy định chi tiết, dân chủ, tạo điều kiện để triển khai thực hiện...

Trao đổi về dự thảo Quy định phân cấp, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu để xem xét, bổ sung, hoàn thiện Quy định trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết thúc phiên thảo luận buổi chiều.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận buổi chiều, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao 12 ý kiến tham luận. Trong đó, các đại biểu khẳng định, 9 tháng năm 2018, thành phố phải giải quyết nhiều việc mới, việc khó, song với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy…, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở và tạo được những chuyển biến rõ nét từ cơ sở.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận 9 nội dung đề xuất, kiến nghị được các đại biểu nêu, đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Riêng nội dung thi tuyển công chức, viên chức, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đầu năm 2019, sau khi thực hiện rà soát vị trí việc làm và thống kê các vị trí còn thiếu, thành phố sẽ thực hiện thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể và khối giáo viên theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định…

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, các ý kiến tham luận đã thống nhất về sự cần thiết của Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm và những ý kiến trao đổi thảo luận của 25 đại biểu. Điểm lại những kết quả nổi bật về công tác xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng qua; lưu ý những hạn chế, yếu kém còn tồn tại cần tập trung khắc phục, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện, trước mắt là từ nay đến cuối năm 2018.

Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, tập trung hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thu, chi ngân sách; tăng cường hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng đặc biệt lưu ý, các cấp, các ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm. 

“Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải thấy được trách nhiệm cá nhân của mình để tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề này. Tôi yêu cầu, các vụ việc như: Vụ cháy ở đường La Thành, vụ việc mất an ninh trật tự ở chợ Long Biên, vụ đại nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây đã được khởi tố, phải được điều tra, xử lý đến nơi, không coi đây là việc nhỏ” - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. (Xem toàn văn phát biểu kết luận của Bí thư Thành ủy tại đây).

Cuối ngày làm việc, sau khi nghe Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.  

 
(Theo Báo Hànộimới, 1/10/2018)