Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Phát huy các nguồn lực, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Ngày đăng : 30/07/2018

10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội không phải là khoảng thời gian dài trong lịch sử phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến, nhưng TP Hà Nội đã có sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên, TP Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian tới, TP Hà Nội cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan đã đặt dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội và không gian để Thủ đô phát triển. Với quy mô diện tích 3.344km2 (gấp 3,63 lần so trước khi mở rộng), dân số tăng gấp 1,5 lần, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 68%, hơn 1.350 làng nghề truyền thống, hơn 5.900 di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa đặc sắc của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và nhiều vùng văn hóa khác…, Hà Nội có nhiều tiềm năng, điều kiện để thực hiện cơ cấu lại không gian kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn lực về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nền tảng để phát triển đồng bộ, toàn diện hơn. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức đặt ra rất lớn, bởi quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, văn hóa khác biệt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là chưa kể tới những xáo trộn về tâm lý, tình cảm của cán bộ, người dân trước sự thay đổi lớn…

Ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, với tinh thần tất cả vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, mười năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, biến tiềm năng, thế mạnh thành những kết quả to lớn, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Trước tiên là tiến hành hợp nhất tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong hệ thống chính trị. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái cho biết: Thời điểm sau hợp nhất, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội tăng từ 57.000 người lên 102.700 người. Sau khi sáp nhập, có cơ quan có đến 13 lãnh đạo, còn “bình quân” mỗi sở có từ sáu đến tám phó giám đốc.

Với số lượng cán bộ đông như vậy, để bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo thật sự là thử thách lớn. Nhưng bằng cách làm chủ động, bài bản, nhất là hoàn toàn công tâm, khách quan, lấy yêu cầu công việc và chất lượng cán bộ làm thước đo, kiên quyết tránh tư tưởng cục bộ địa phương, công tác cán bộ đã được thực hiện tốt, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có số lượng lớn, nhất là cấp phó các sở, ban, ngành, lãnh đạo thành phố đã coi công tác luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá nhằm sắp xếp lại đội ngũ. Thành phố không tăng biên chế cho các sở, ngành, nhưng cho phép bổ sung biên chế cho cấp huyện thuộc địa bàn Hà Tây (cũ) để thực hiện tốt yêu cầu trong tình hình mới. Sự đoàn kết, đồng thuận trong hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở thông suốt đã giúp việc thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

Với vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước, nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội là bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đồng thời huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ: Giải pháp quan trọng xuyên suốt được thành phố thực hiện trong 10 năm qua là thiết lập môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và thân thiện, để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố tập trung rà soát thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục. Thí dụ rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày, thời gian các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng được rút ngắn từ ba ngày xuống còn hai ngày làm việc (giảm ba ngày so với năm 2008).

Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh: tiếp cận đất đai, điện năng, tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ, chăm lo đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp. Sự thay đổi tích cực trong môi trường đầu tư được các doanh nghiệp phấn khởi đón nhận. Ông Đỗ Văn Định, đại diện Công ty CP Nước Aqua One cho biết: “Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do đơn vị làm chủ đầu tư nhận quyết định đầu tư vào cuối năm 2016. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của thành phố, chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng trên mặt bằng rộng 61,5 ha vào tháng 3-2017”. Với cách làm đó, giai đoạn 2008 - 2017, tổng đầu tư xã hội của Hà Nội đạt 2,03 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 15,21%/năm; trong đó, năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008. Thu hút 3.237 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD, riêng hai năm 2016, 2017 và sáu tháng đầu năm 2018, thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ năm 1986 đến 2015, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Sau khi hợp nhất, không gian kinh tế của Hà Nội được mở rộng. Để thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, đạt hiệu quả cao, trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lấp đầy tám khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp; tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy sản xuất tại 1.350 làng nghề để nâng cao thu nhập của người dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm…, cho nên giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đến nay đạt 239 triệu đồng, gấp hai lần so với năm 2008, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những yếu tố nêu trên giúp kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 7,41%/năm, thành phố giữ vững vị thế đầu tàu trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, hằng năm đóng góp 51,1% GRDP của vùng và 16,46% GDP của cả nước; thu ngân sách bằng 54,1% của vùng và 19,05% của cả nước...

Để cơ cấu lại không gian kinh tế - xã hội, thành phố đã huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo sự khởi sắc cho diện mạo thành phố. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã nhanh chóng lập các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, làm cơ sở mở rộng không gian đô thị về nhiều hướng.

Các công trình hạ tầng giao thông được mở mang, xây dựng, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng 0,28% đất đô thị mỗi năm và đến cuối năm 2017 đạt khoảng 9,2% đất đô thị. Không chỉ tập trung đầu tư mở rộng không gian đô thị, thành phố rất quan tâm đầu tư cho khu vực nông thôn, bởi đây là khu vực chiếm diện tích rất lớn và liên quan đến sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của quá nửa số dân Thủ đô. Mười năm qua, thành phố đã hỗ trợ khu vực nông thôn khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng đối với 14 huyện, thị xã của Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh là hơn 13 nghìn tỷ đồng, để đầu tư hệ thống lưới điện, xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế. Tập trung huy động vốn trong và ngoài ngân sách đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới gần 43 nghìn 420 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay Hà Nội dẫn đầu cả nước về công tác này với bốn huyện và 294 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp gần ba lần năm 2008. Nhiều địa bàn trước đây nằm trong diện đặc biệt khó khăn như xã miền núi Ba Trại (huyện Ba Vì) thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/năm, đến nay đã được công nhận là xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm.

Thời điểm mới hợp nhất, nhiều ý kiến từng lo ngại, trước sự giao thoa của hai dòng văn hóa lớn sẽ nguy cơ bị phai nhạt đi bản sắc. Nhận thức được điều này, ngành văn hóa Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó, chú trọng đến văn hóa cơ sở. Các di tích, di sản lớn trên địa bàn Hà Tây (cũ) được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Các di tích: chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng… được lập hồ sơ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Thành phố đã triển khai tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về những di sản họ đang sở hữu. Thông qua cuộc kiểm kê, những gì tinh túy nhất của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài được nhận thức lại. Đó là tục kết chạ đã hàng nghìn năm giữa người dân ở khu vực chùa Bối Khê với chùa Trăm Gian, là tiếng lóng của làng Đa Chất, là tri thức, bí quyết làm nghề của nhiều làng nghề ở “đất trăm nghề” Hà Tây…

Ở khu vực Hà Nội, đó là việc phát huy những nghề cổ, những lễ hội trong phố, là những nét tinh hoa của nghề chạm bạc, đúc đồng, nghề ướp trà sen hay nghề gốm Bát Tràng. Việc hướng đến cơ sở trong công tác bảo tồn văn hóa giúp cho mạch văn hóa của mỗi phố phường, mỗi làng quê có sự nối tiếp, tạo nên sức mạnh mới của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, là sức hút đưa du lịch Thủ đô phát triển vượt bậc trong ba năm gần đây.

Những thành tựu to lớn của Hà Nội sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) là minh chứng sinh động, rõ nét tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự phát triển của Thủ đô. Đó cũng là tiền đề quan trọng, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển những năm tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế khiến các tiềm năng, lợi thế chưa khai thác, phát huy hiệu quả. Mục tiêu của việc mở rộng địa giới hành chính là giúp Thủ đô có điều kiện phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, khắc phục những vấn đề bất cập vì quá tải trong nội đô. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng thể hiện rõ chiến lược này. Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng các đô thị vệ tinh còn chậm. Hiện nay, đô thị vệ tinh Hòa Lạc mới hoàn thành quy hoạch 1/500, các khu đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên mới đang được lập quy hoạch chi tiết, đô thị vệ tinh Xuân Mai đang kêu gọi nhà đầu tư. Trong khi đó, việc kiểm soát dân số khu vực nội thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử còn chưa tốt, các dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng vượt quá tốc độ phát triển hạ tầng, dẫn đến dân số trong nội đô ngày càng tăng, gây quá tải về hạ tầng.

Về kinh tế, tuy đạt mức tăng trưởng hơn 7%/năm, nhưng quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, nhất là tiềm năng, thế mạnh và không gian phát triển và nguồn lực đất đai, con người của Thủ đô, sau khi mở rộng. Công nghệ, quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo được những sản phẩm mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng thừa nhận, mười năm qua, thành phố trăn trở mãi vẫn chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực của kinh tế tri thức. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, theo chuỗi chuyên canh vẫn dừng lại ở những mô hình, chưa được nhân rộng. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm.

Phát triển văn hóa - xã hội chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô và truyền thống ngàn năm văn hiến. Văn hóa ứng xử của người dân vẫn còn nhiều lo ngại, kể cả cán bộ các cơ quan công quyền. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, song, chưa tạo nên môi trường thân thiện cho khách du lịch. Trong số nhiều nguyên nhân của hạn chế này, có nguyên nhân chủ quan là do năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết công việc của một số cơ quan của thành phố chưa quyết liệt. Thành phố còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nhân tài, huy động nguồn lực.

Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, song tin tưởng rằng, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, huy động mọi trí tuệ, nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô vững bước phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII), đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước.

(Theo Báo Nhân Dân điện tử, 30/7/2018)