Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Ba vấn đề về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Ngày đăng : 30/10/2018

Hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp” đã đưa đến cái nhìn cụ thể về thế nào là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cùng những thảo luận về quá trình thực hiện.

Hội thảo khoa học: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp ngày 8/11/2017. (Ảnh: Quỳnh Trang).

Hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp” do Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào 8/11/2017 đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến phản hồi từ các đại biểu.

Bàn về "Tăng trưởng xanh, Phát triển xanh"

Theo Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc: “Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất cân bằng trong xã hội”.

Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nội dung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gồm:

Xanh hóa sản xuất: “Thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm”.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: “duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu”.

Bên cạnh đó, khái niệm “kinh tế xanh” không thể thay thế khái niệm phát triển bền vững mà là mô hình nền tảng cho phát triển bền vững. Hay có thể nói, kinh tế xanh là chiến lược để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thực trạng hiện nay

PGS. TS Lê Văn Nam chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng số hoá. Trước đó đã từng trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp gồm Cơ khí hoá, Điện khí hoá, Tự động hoá.

Theo chuyên gia, các cuộc cách mạng này giúp kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi, tuy nhiên đã để lại những hệ luỵ đến môi trường. Kết quả thống kê tổng lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 1994-2010 cho thấy phát khí nhà kính ở nước ta có xu hướng gia tăng.

ban ve tang truong xanh phat trien ben vung
Theo Báo cáo từ Hội thảo.

Có mặt tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra ý kiến về những vấn đề cơ bản về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu.

Thứ nhất, vấn đề xuất phát từ phía nhà nước và hệ thống quản lý. Theo PGS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: “ Điều quan trọng là quyết tâm của Nhà nước đến đâu trong việc thực hiện tăng trưởng xanh”. Thực tế, hàng năm ngân sách nhà nước thu về không ít từ khoản thuế thu được những nhà máy, khu công nghiệp sản xuất. Chọn nhà máy sản xuất thuốc lá ngun ngút khói hay là nền kinh tế xanh?

Bên cạnh đó, xanh hoá nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực cũng như cách thức điều phối hiệu quả của các hoạt động đề ra. Nhu cầu về nguồn lực là không hề nhỏ (ước tính Việt Nam sẽ cần tới 30 tỷ USD, theo như Báo cáo hội thảo đưa ra) và cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách là cần thiết.

Thứ hai, vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trong việc thực hiện “xanh hoá sản xuất”. TS Bùi Phương Đình nhận định doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thực thi, mà là chủ thể thực hiện hay trên có chính sách, dưới có đối sách. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng bộ chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất chưa được chú trọng.

Doanh nghiệp không chỉ là một đối tượng để áp đặt các chính sách và chế tài, mà họ chính là chủ thể có ý thức và trực tiếp thực hiện. Thế nên không thể bỏ qua vai trò của doanh nghiệp trong quá trình tham vấn xây dựng các chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất trong khi chính họ là đối tượng thực hiện cũng là một thiếu sót. Cần phải để các doanh nghiệp lên tiếng và tham gia trực tiếp vào trong việc xây dựng bộ chỉ tiêu “xanh hoá sản xuất”.

Bên cạnh đó, chi phí bỏ ra để cải tiến công nghệ đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh là vấn đề đau đầu và là một thách thức lớn với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mô hình sản xuất xanh.

Thứ ba, vấn đề liên quan đến người tiêu dùng. Hai công trình Nobel kinh tế về hành vi tiêu dùng phi lí trí của con người. Hành vi tiêu dùng của con người bị tác động và chi phối bởi những nguyên lí tưởng chừng như rất đơn giản đi ngược lại lý lẽ và nhận thức thông thường.

Đã có rất nhiều tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò của sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cách nhanh nhất để tác động và thay đổi thói quen sử dụng của người dân, để “dạy” họ làm quen với tiêu dùng xanh đó là sử dụng truyền thông ám thị. Hay nói cách khác, chính là tạo ra sự bắt chước cho người tiêu dùng.

(Theo Quỳnh Trang,  vietnambiz, 30/10/2018)