Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

QUAN HỆ VIỆT NAM – PHÁP

Ngày đăng : 24/03/2023

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973.

Hai nước có nhiều cơ chế hợp tác, đáng lưu ý có:

- Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì, họp thường kỳ hai năm một lần. Sau kỳ họp lần thứ 5 đã diễn ra tại Việt Nam từ ngày 15-16/3/2012, hai bên đã tổ chức kỳ họp lần I cấp Thứ trưởng tại Paris tháng 9/2018.

- Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế: Là cơ chế sát nhập Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt - Pháp và Diễn đàn kinh tế tài chính Việt – Pháp, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì và họp phiên đầu tiên ngày 09/4/2013. Gần đây nhất, phiên họp lần thứ 6 đã diễn ra tại Paris tháng 11/2019 và phiên họp thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội tháng 01/2022. Đây là cơ chế nhằm thảo luận các vấn đề chung trong hợp tác kinh tế hai nước, cũng như các dự án kinh tế song phương cụ thể.

- Đối thoại chiến lược quốc phòng (thay thế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng) giữa hai Bộ Quốc phòng ở cấp Thứ trưởng lần thứ nhất tại Paris (7/2019).

II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ: 

1. Thương mại:

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia). Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,69 tỷ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm – sứ - mây – tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử) và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp – thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm).

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp (đơn vị: triệu USD)

 

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

XK

1659

2163

2206

2399

2952

2999

3351

3761

3672

3296

3210

3697

NK

1205

1589

995

1143

1260

1137

1271

1339

1590

1520

1592

1636

XNK

2864

3752

3201

3542

4212

4136

4622

5100

5260

4816

4802

5333

(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)

2. Đầu tư:

Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến tháng 2 năm 2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 664 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,787 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí, nước điều hòa; phân bổ tại 35 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa – Vùng Tàu (10 dự án trị giá hơn 1,622 triệu USD), Hà Nội (126 dự án trị giá 372,94 triệu USD); thành phố Hồ Chí Minh (337 dự án trị giá 309,94 triệu USD). (Nguồn: Cục Đầu từ nước ngoài)

Vốn đầu tư của Pháp chủ yếu theo hình thức liên doanh (chiếm 35%), đầu tư 100% vốn nước ngoài (33%), hợp đồng hợp tác kinh doanh, còn lại là các hình thức công ty cổ phần, BTO, BT và BOT. Quy mô trung bình của một dự án là 11,59 triệu USD/dự án (ở mức thấp so với bình quân chung là 15 triệu USD/dự án).

Một số dự án lớn: (1) Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và FCR Vietnam (chi nhánh của France Telecom tại Việt Nam), cấp phép năm 1997, đầu tư 615 triệu USD vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông; (2) dự án Công ty cổ phần Cảng Cái Mép, cấp phép năm 2008, do Terminal Link của Pháp đầu tư 520 triệu USD vào hoạt động dịch vụ khai thác cảng; (3) dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2, cấp phép năm 2001, do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) liên kết với Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 480 triệu USD.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 09 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.

III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan). Pháp tài trợ các dự án thông qua các công cụ tài chính của Tổng cục Kho bạc Pháp gồm: khoản vay kho bạc ưu đãi, vay trực tiếp và vốn hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Pháp thông qua Quỹ nghiên cứu hỗ trợ khu vực tư nhân (FASEP) và nguồn vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 3 tỷ euro. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.

IV. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, VĂN HÓA – DU LỊCH, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:

1. Hợp tác giáo dục và đào tạo:

Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp hình thành và phát triển từ những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…

Hiện hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV, Trung tâm đào tạo về quản lý Việt – Pháp (CFVG), dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp (PUF) tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Viện tin học Pháp ngữ (IFI). Tháng 10/2010, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, do Pháp tài trợ 100 triệu euro, đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong 4 trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách học bổng của Pháp tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sỹ và tiến sỹ. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có trên 10.000 sinh viên (Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới).

2. Hợp tác văn hóa – du lịch:

Giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Tp. Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp – IDECAF), Huế và Đà Nẵng. Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm Văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong 2 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp (là đối tác đầu tiên của Festival Huế) đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, diễn ra 2 năm một lần.
Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm.  

Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Việt Nam – Pháp (2013-2014) tại hai nước nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và đang phối hợp chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm đối tác chiến lược (2013-2023).

3. Hợp tác khoa học công nghệ:

Hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Đây thường là các chương trình lớn, dài hạn về nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phát huy giá trị văn hóa; tăng cường năng lực về pháp luật và hành chính... Tháng 3/2007, Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai Chính phủ đã được ký kết nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các chuyên gia, cơ quan và tổ chức khoa học và công nghệ hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác.

Hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng hạt nhân ngày càng được tăng cường trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) như hợp tác đào tạo cán bộ về công nghệ hạt nhân và khai thác sử dụng chương trình tính toán của CEA, cung cấp tài liệu tuyên truyền về điện hạt nhân cho công chúng. Tháng 11/2009, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết và những điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp hai nước liên quan đến năng lượng hạt nhân tiến hành các hoạt động hợp tác và đầu tư.

V. CÁC LĨNH VỰC KHÁC:

1. Hợp tác an ninh - quốc phòng:

Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991). Quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển: trao đổi đoàn thường xuyên (Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Pháp 12/2009; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thăm Việt Nam 7/2010, 6/2016), tổ chức họp tham mưu hàng năm, đối thoại an ninh, hỗ trợ xuất khẩu trang thiết bị khí tài, đào tạo sĩ quan, chiến hạm của Hải quân Pháp cập cảng Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước năm 2016, hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp là quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.

Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Thỏa thuận khung giữa hai nước được ký vào năm 1997, thống nhất tổ chức luân phiên hàng năm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng (cấp Thứ trưởng) để trao đổi về các vấn đề chiến lược và kế hoạch trang bị cho quân đội Việt Nam. Cơ chế này được đổi tên thành Đối thoại chiến lược quốc phòng và tổ chức phiên họp đầu tiên vào tháng 7/2019. Năm 2018, hai nước ký Thỏa thuận sửa đổi hợp tác Việt – Pháp trong lĩnh vực quốc phòng và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028.

2. Hợp tác địa phương (hợp tác phi tập trung):

Khởi xướng từ những năm 1990, hợp tác phi tập trung Việt – Pháp trở thành nét đặc thù trong quan hệ Việt – Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh/thành Việt Nam. Từ năm 1990, có 235 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững, với quy mô không lớn nhưng nhìn chung có tác dụng tốt.

Từ năm 1996, hai nước tổ chức gặp gỡ và thảo luận về tình hình hợp tác giữa các địa phương nhằm đánh giá hoạt động hợp tác và trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa địa phương hai nước. Tính đến nay (2022), hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp luân phiên tại Pháp và Việt Nam: Hội nghị lần 10 đã được tổ chức vào 14-16/9/2016 tại thành phố Cần Thơ; Hội nghị lần 11 tổ chức tại thành phố Toulouse (Pháp) vào năm 2019. Hai bên đang phối hợp chuẩn bị Hội nghị lần thứ 12 tại thành phố Hà Nội vào tháng 4/2023

3. Hợp tác y tế:

Hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sỹ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Các dự án hợp tác này được tài trợ từ các Quỹ đối tác bệnh viện của Bộ Ngoại giao Pháp, Chương trình liên đới mạng điều trị (ESTHER) và quỹ riêng của các bệnh viện Pháp. Hợp tác y tế Việt - Pháp ưu tiên đào tạo ngành y, củng cố đào tạo nhân viên chăm sóc, củng cố khả năng quản lý bệnh viện.

4. Pháp ngữ:

Đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện… 

VI. MỘT SỐ HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC:

  • Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1989);
  • Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992);
  • Hiệp định hợp tác y tế và y học (1992);
  • Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần (1993);
  • Hiệp định về hợp tác pháp luật và tư pháp (1993);
  • Hiệp định hợp tác về du lịch (1996);
  • Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự (1999);
  • Hiệp định hợp tác hàng hải (2000);
  • Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000);
  • Hiệp định về miễn thị thực lưu trú ngắn hạn đối với người mang hộ chiếu ngoại giao (2004);
  • Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ (2007);
  • Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội (2009);
  • Hiệp định về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (2009);
  • Hiệp định về các Trung tâm Văn hóa (2009);
  • Hiệp định về việc thành lập và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (2009);
  • Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp (2013);
  • Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp (2016);
  • Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Pháp (2016)./.

Nguồn tin: Bộ Ngoại giao Việt Nam