Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Cả nước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp CNHT đang hoạt động, trong tổng số 700.000 doanh nghiệp và mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển.  Phó thủ tướng nhấn mạnh: Cần coi CNHT là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng, hạn chế nhất hiện nay của CNHT là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai và môi trường nên chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít; cùng với đó, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia. CNHT hiện chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan toả, dẫn dắt nền công nghiệp.

Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ”, với các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.

Thủ tướng chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh:Quang Hiếu.

Mong muốn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Công thương lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, mỗi người một kinh nghiệm tốt để chúng ta có Nghị quyết của Chính phủ về phát triển CNHT Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những thành công bước đầu của ngành CNHT Việt Nam những năm qua; tỷ lệ nội địa hóa được 40-45% nguyên liệu da giày, 15% linh kiện điện tử, 5% linh kiện điện tử tiêu dùng công nghiệ cao. Một số doanh nghiệp có năng lực, sản xuất được các loại linh kiện xe đạp, xe máy, ôtô, cơ khí đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm này đáp ứng một phần quan trọng sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra tồn tại của ngành CNHT Việt Nam hiện tại. Hiện, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Từ đó dẫn đến CNHT kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ năng chuyên môn chúng ta vẫn còn hạn chế. Các trường đào tạo chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu; sự gắn kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn hạn chế.

Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của châu Á, thế giới, khu vực ASEAN. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ôtô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta. Thủ tướng, bày tỏ mong muốn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển công nghiệp thông minh.

Cụ thể hóa mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại định hướng phát triển của Đảng, đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về công nghiệp. Năm 2045, Việt Nam là công nghiệp phát triển hiện đại. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần ứng dụng các công nghệ nguồn, công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số phải vào phát triển đất nước. Đặc biệt, làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, đặc biệt trong lắp ráp ôtô, máy tính, thiết bị di động, dệt may, giày da… có vai trò dẫn dắt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Công Thương cần sớm trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển CNHT, nhất là thuế, đất đai, vay ngân hàng. Cần thiết có thể đề xuất một gói tín dụng phát triển CNHT.

Thủ tướng cũng cho rằng, "Người Hàn Quốc, Nhật Bản có ý chí lớn phát triển đất nước, chúng ta phải học tập họ. Phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế, còn nếu cứ "bình bình" thì khó thành công. Cần tinh thần làm việc có tầm chiến lược như HLV Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki cup 2018 để ngành CNHT Việt Nam vươn lên và thành công".

VŨ DUNG

Nguồn: www.qdnd.vn