Chiều 30-12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Ngày 17-6, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2018-Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; cùng đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hà Nội và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế; các đại sứ, đại biểu các tổ chức quốc tế... Dự hội nghị còn có hàng trăm doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sức hút đầu tư lớn của Thủ đô
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hai năm qua, thực hiện cam kết đồng hành cùng DN, TP Hà Nội đã nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao qua sự thăng hạng liên tục của các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-năm 2016 tăng 10 bậc, năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX-năm 2016 tăng 6 bậc, năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố). Cộng đồng DN thành phố có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, thành phố đã có hơn 250.000 DN với số vốn đăng ký đầu tư hàng năm hơn 400.000 tỷ đồng. Sự nỗ lực của cộng đồng DN và người dân thành phố đã góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển của Thủ đô, trong đó kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh, bền vững: Năm 2016 tăng 7,15%, năm 2017 tăng 7,31% và 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,07%.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá: Việc thu hút đầu tư của Thủ đô những năm qua và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được kết quả nổi bật. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng cao (51,1%). Đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế đến ngày 15-6-2018 có hơn 4.300 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 33,38 tỷ USD, trong đó, riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút 12,46 tỷ USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút giai đoạn 1986-2015. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án (năm 2016 có 23 dự án với tổng vốn đầu tư gần 37 nghìn tỷ đồng; năm 2017 có 48 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 74,3 nghìn tỷ đồng).
DN là trung tâm của quá trình liên kết vùng
Bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư mà thành phố đã đạt được thời gian qua, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, TP Hà Nội cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. TP Hà Nội phải là hạt nhân phát triển của vùng, giữ vai trò cửa ngõ trao đổi hàng hóa, dịch vụ, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn tới các địa phương lân cận.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá sự liên kết của TP Hà Nội với các địa phương trong vùng chưa thực sự hiệu quả, không gian liên kết vùng vẫn bị chia cắt, DN chưa tham gia sâu vào quá trình liên kết. Theo đó, cùng với quá trình mở rộng, cần cơ cấu lại nguồn lực, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển của thành phố. Tăng cường liên kết mạng lưới các đô thị, trong đó TP Hà Nội là trung tâm; đồng thời, thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, tạo ra kết nối giao thông thuận lợi trong vùng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến vai trò của DN trong thúc đẩy liên kết vùng, DN là chủ thể chính cụ thể hóa các liên kết và là mắt xích quan trọng nhất ngay từ khâu thiết kế quy hoạch. Do đó, cần xây dựng cơ chế để DN là trung tâm của quá trình liên kết. Chính quyền các địa phương cũng cần đưa ra danh mục các dự án cụ thể để liên kết, kêu gọi đầu tư, tầm nhìn, định hướng phát triển của vùng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, liên kết, phát triển vùng ở Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu trên các lĩnh vực về y tế, giáo dục-đào tạo, thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao... và đặc biệt phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực: Phát triển, kết nối hạ tầng giao thông; phát triển chuỗi giá trị thông qua liên kết trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương nhằm tạo sự lan tỏa trong liên kết, hợp tác, phát triển. TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung, như: Xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch...
Sản xuất các linh kiện, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOPEX Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội).
Tăng cường đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội tích cực trong những năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Hà Nội còn không ít hạn chế, tồn tại, như: Nộp thuế còn phiền hà, chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số quản trị hành chính công chưa cao... Thành phố cần nỗ lực lớn hơn nữa để có những giải pháp khắc phục hạn chế, tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư không chỉ là công việc của lãnh đạo thành phố, mà lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cũng phải vào cuộc thực sự. Thủ tướng yêu cầu Thủ đô cần có quy trình thực hiện thủ tục hành chính một cách khoa học, minh bạch; đồng thời, có cơ chế phản ứng hỗ trợ kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Thành phố cần đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin về dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng. Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng có tiềm năng lớn về khoa học công nghệ có thể giúp khơi dậy động lực tăng trưởng mới. Theo đó, thành phố cần đi đầu trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP Hà Nội cần có kế hoạch tổng thể và tầm nhìn để thấy rõ những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới để định hướng phát triển. Cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai. Hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Cùng với đó, cần tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất.
Tại hội nghị, TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD). Đồng thời, TP Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong vùng, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã trao 24 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư gần 70.000 tỷ đồng.
(Theo Đình Vũ, La Duy, Quân Đội Nhân Dân online, 17/06/2018)