Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Tăng cường kết nối nhằm phát triển nông nghiệp

Ngày đăng : 30/06/2020

Mặc dù có nền nông nghiệp phát triển nhưng các mặt hàng sản phẩm nông sản của Thủ đô chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi chuyên canh tập trung, Hà Nội cần liên kết sản xuất tiêu thụ với các tỉnh, thành trong cả nước.

Kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn Thành phố. Vì vậy UBND TP đã phê duyệt một số chương trình, đề án, dự án như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao… nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn Thành phố và giao Sở NN&PTNT triển khai thực hiện. Đến nay, Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các vùng sản xuất chất lượng, tập trung. Thành phố hiện có 154 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích đạt 55 nghìn ha, chiếm khoảng 55,5% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn Thành phố. Trong đó có khoảng trên 12 nghìn ha là sản xuất giống lúa Nhật chất lượng cao Japonica.

Các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có đầu ra ổn định; sự phối hợp, liên kết giữa các khâu được đảm bảo ổn định, làm tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất. Sản phẩm của các mô hình liên kết ở Hà Nội chủ yếu đưa vào các bếp ăn tập thể, một phần bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn và số ít đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà hàng, khách sạn lớn của Hà Nội.

Nhu cầu tiêu thụ trung bình của Thủ  đô trong một tháng: Nhu cầu tiêu dùng nông sản của Thành phố là rất lớn, mức tiêu thụ trung bình khoảng trên 300 nghìn tấn lương thực thực phẩm nông lâm thủy sản. Cụ thể gạo 93 nghìn tấn/tháng; thịt lợn hơi 19 nghìn tấn; thịt gà, vịt 6 nghìn tấn; rau, củ 103 nghìn tấn…

Khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu về sản phẩm thực phẩm trên địa bàn Thành phố, thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng khác như gạo chỉ  đáp ứng khoảng 30% nhu cầu; thủy hải sản tươi, đông lạnh đáp ứng 3%... Số lượng còn lại nhập tại các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Vì vậy để kết nối tiêu thụ và kích cầu hàng hóa nông sản, trong thời gian qua Thành phố  đã xây dựng và duy trì 141 mô hình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 29 chuỗi do các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý toàn bộ chuỗi và 112 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với gần 1,4 nghìn sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi. Đồng thời đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành…

Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Văn Chí, nhiệm vụ đột phá từ nay đến cuối năm 2020, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái và tạo vàng đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch OCOP của UBND TP; tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng, có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn tại các siêu thị, chợ, khu dân cư…

(Theo Thiện Tâm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 30/06/2020)