Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Xây dựng ‘Mỗi xã một sản phẩm’: Cần nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề

Ngày đăng : 30/12/2019

(HPA) Số lượng làng nghề của Hà Nội hiện chiếm gần 1/3 làng nghề của cả nước, tuy nhiên với xuất phát điểm thấp, sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu... khiến các làng nghề gặp khó khăn. Do đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Hà Nội dù triển khai muộn hơn so với các địa phương khác nhưng đã tạo bước chuyển đáng ghi nhận.

Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn

Số liệu từ Sở Công thương Hà Nội, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề với khoảng 1.864 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước khi có đến 1.350 làng nghề và làng có nghề, có 305 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống, thuộc 23 quận, huyện và thị xã (chiếm 60% tổng số làng nghề của cả nước). Các sản phẩm của làng nghề theo đó cũng rất đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm...

Theo tính toán, tổng doanh thu trung bình một năm của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề ở Hà Nội năm 2018 đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, một số làng nghề thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, đồng thời đạt doanh thu cao, như làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đạt gần 2.000 tỷ đồng…

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề như khuyến khích áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới cho làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng...

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy, thành phố Hà Nội đã khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. Các sản phẩm, hàng hóa gồm các sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ; sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP Thủ đô và hàng hóa nông sản ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm OCOP Thủ đô như: Dược liệu Sóc Sơn, thịt bò BBB, gạo hữu cơ, rau an toàn, hoa cây cảnh... Hàng loạt các sản phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của nông nghiệp Hà Nội như bưởi Diễn, lụa Vạn Phúc, ổi Đông Dư, cốm làng Vòng, gốm Bát Tràng... nằm trong chương trình OCOP đã được giới thiệu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tham gia OCOP lần này, Hà Nội mong muốn thiệu những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thành phố. Đồng thời, trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp đến từ Hà Nội giới thiệu sản phẩm, công nghệ và tìm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tiếp cận, cập nhật thông tin về thị trường, các dịch vụ, chế độ và chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Phấn đấu từ 800-1.000 sản phẩm đạt các tiêu chí của OCOP

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dù triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, nhưng Hà Nội phấn đấu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm đạt các tiêu chí của OCOP. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp Thành phố, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.

Đồng thời, ngoài triển khai thực hiện 2 mô hình làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Hà Nội còn nâng cấp phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố (hn.check.net.vn), trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA), vào ngày 11/10 tới đây, HPA sẽ tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon Việt Nam. Dự kiến, sẽ có gần 100 gian hàng của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia. Hội chợ sẽ giới thiệu tới hệ thống Aeon và người tiêu dùng những sản phẩm OCOP nổi bật của nông nghiệp Hà Nội như bưởi Diễn, chuối tiêu hồng Vân Nam, cam Canh, măng tây Hồng Thái, gà đồi Ba Vì, đà điểu Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, gạo Tam Hưng...

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA cho biết, thông qua hội chợ, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp sản phẩm OCOP nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận trực tiếp hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, từ đó tìm kiếm cơ hội đưa các sản phẩm OCOP có chất lượng vào kênh phân phối tại thị trường nước ngoài.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được thành phố Hà Nội triển khai với kỳ vọng tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền... nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô./.

 HPA