Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Mỗi làng một sản phẩm: Nâng cao giá trị thương hiệu

Ngày đăng : 14/09/2018

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 5.411 làng nghề (1.864 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống đã được công nhận) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (2.886 làng nghề, chiếm 53,3%), thu hút khoảng 11 triệu lao động phi nông nghiệp.

 
 
Mỗi địa phương một sản phẩm sẽ thúc đẩy nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu và giá trị trên thị trường.



Số lượng hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng bình quân 8,8% - 9,8%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ là mặt hàng chủ lực của làng nghề, kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung phần lớn thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm này vẫn chủ yếu chỉ là nội tỉnh, một số không nhiều sản phẩm được phân phối bên ngoài tỉnh, chỉ có một số ít được xuất khẩu (chủ yếu hàng thủ công, mỹ nghệ),  sản phẩm sản xuất ra còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ; sản xuất thủ công; tổ chức bộ máy quản trị, trình độ lao động còn yếu; thị trường tiêu thụ không ổn định; chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng....
 
Kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước đã rất chú ý đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nội sinh với các nguồn lực sẵn có làm động lực như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý...

 Điển hình, phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm” của Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước, đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm thủ công được làm và bán ra tăng từ 143 loại sản phẩm, thu nhập 35,9 tỷ Yên khi phong trào mới bắt đầu lên 336 loại sản phẩm và cho thu nhập 141 tỷ Yên vào năm 2001.

Qua kinh nghiệm thành công của một số nước trong khu vực về phong trào OVOP, vận dụng linh hoạt chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo các mô hình phát triển kinh tế nông thôn.

Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product - OCOP), đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng, đến hướng dẫn qui trình triển khai, xúc tiến thương mại...

Kết quả đạt được sau hơn 3 năm triển khai đã khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCPO” là hướng đi đúng, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.

Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước học tập và triển khai OCOP theo các quy mô khác nhau, trong một thời gian ngắn đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn; cả nước đã dấy lên một phong trào mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình OCOP.

Hiện cả nước có 6.010 DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 DN (chiếm 76,6% số DN sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc sáu nhóm sản phẩm, trong đó, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186  sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm.

 Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,52%); 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%). Với kết quả này cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ.

(Theo Ngọc Tâm, Hội Nông dân Việt Nam, 13/09/2018)