Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Một số kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực đầu tư tại Hà Nội

Ngày đăng : 17/12/2019

(HPA) Trong thời gian tới, để tạo cơ chế chính sách tốt hơn, thúc đẩy đầu tư cho Thành phố, Hà Nội kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Đầu tư.

Năm 2019, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tại Thành phố tăng đáng kể so với 2018. Trong đó, đăng ký mới (5,03 tỷ USD), hoạt động góp vốn mua cổ phần (1,68 tỷ USD), tăng 2,18 lần so với năm 2018 (7,5 tỷ/3,4 tỷ).

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã thu hút được một số dự án lớn trong các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư như đô thị thông minh, môi trường, nước sạch…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đầu tư trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Cụ thể, Luật Đầu tư hiện chưa thống nhất và đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành (Doanh nghiệp, Môi trường, Đất đai, Xây dựng... ). Ví dụ như, quy định pháp lý để xác định mối quan hệ giữa Nhà đầu tư đăng ký lần đầu (ghi nhận tại Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và Nhà đầu tư là tổ chức kinh tế thực hiện dự án (quy định tại mục 1 Điều 45 Nghị định 118/2015/NĐ-CP) tránh tranh chấp, khiếu kiện. Đặc biệt đối với các dự án có sử dụng đất thuộc diện Quyết định chủ trương đầu tư mà Nhà đầu tư có thay đổi thành viên/cổ đồng tại doanh nghiệp (thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần quy định tại mục 16 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP)…

Trong thời gian tới, để tạo cơ chế chính sách tốt hơn, thúc đẩy đầu tư cho Thành phố, Hà Nội kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Đầu tư, cụ thể:

Quy định rõ về tỷ lệ vốn góp thực hiện dự án trên tổng vốn đầu tư đăng ký, thời hạn góp vốn để đảm bảo tính khả thi của dự án và công tác giám sát đầu tư.

Quy định rõ về thời hạn Nhà đầu tư phải thực hiện thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu (tránh trường hợp Nhà đầu tư dây dưa việc thành lập doanh nghiệp, góp vốn điều lệ, vốn góp thực hiện dự án; đặc biệt các dự án có sử dụng đất, phải thực hiện thủ tục về ký quỹ, đất đai, xây dựng, môi trường…).

Quy định về tỷ lệ mức vốn góp tối thiểu phải đáp ứng của Nhà đầu tư nước ngoài trong cơ cấu tổng vốn đầu tư đăng ký đối với mỗi lĩnh vực đầu tư để phát huy thế mạnh, tiềm năng khai thác vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác không yêu cầu vốn pháp định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (ngoại trừ đối với dự án có sử dụng đất, kinh doanh bất động sản, ngân hàng). Vì vậy, dẫn đến xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vốn góp rất nhỏ, không đáp ứng mục tiêu thu hút vốn và nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đối với việc cấp bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, UBND Thành phố đề xuất trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chỉ  cấp cho tổ chức kinh tế thực hiện dự án 01 bản (vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 118 “Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”)./.

HPA