Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Thu hút FDI và cách ứng xử với nhà đầu tư

Ngày đăng : 25/12/2018

Dường như là một góc nhìn vô lý khi vào thời điểm này lại bàn tới chuyện ứng xử thế nào với nhà đầu tư ngoại, bởi Việt Nam đã có 3 thập kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng điều này thực sự cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang bàn về định hướng thu hút và sử dụng vốn FDI trong thời gian tới.

Cần thiết bởi, dù quan điểm nhất quán của Chính phủ là coi FDI là một bộ phận của nền kinh tế và cần tiếp tục thu hút FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, song vẫn có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là kỳ thị khu vực FDI, khi cho rằng, họ vào Việt Nam đã chèn ép, giành thị trường của doanh nghiệp nội. Thậm chí, có người đặt câu hỏi, Việt Nam có cần thiết phải thu hút FDI nữa không?...

.
Quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là, nếu chúng ta trọng thị nhà đầu tư nước ngoài, liên tục cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thì chắc chắn, họ sẽ đến nhiều hơn. Ảnh minh họa: Sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Ở đây, xin kể lại câu chuyện của một tập đoàn nước ngoài đầu tư rất lớn vào Việt Nam.

Chuyện rằng, lãnh đạo tập đoàn này đã không ít lần chia sẻ, ông cảm thấy buồn, thấy chạnh lòng khi luôn nhận được câu hỏi: Bao giờ các ông sẽ rời Việt Nam, trong khi trên thực tế, doanh nghiệp này đã đến và muốn ở lại lâu dài.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam cũng kể những câu chuyện tương tự. Ông Kelly chia sẻ, Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhưng một số nhà chức trách lại đang đặt câu hỏi rằng, việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam liệu có thật sự là tốt cho nền kinh tế hay không?

30 năm thu hút FDI, những gì khu vực này làm được cho kinh tế - xã hội Việt Nam là điều không phải bàn cãi nữa. Nhưng tại sao lại là câu hỏi họ có thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không, hay bao giờ họ sẽ rút khỏi Việt Nam?

Câu hỏi đúng nhất, cũng là cách ứng xử đúng nhất đáng lẽ phải là, làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều hơn, ở lại lâu dài và mang lại những lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Tất nhiên, “cuộc chơi” này phải là cùng có lợi, Việt Nam được lợi và nhà đầu tư cũng được lợi, chứ không thể chỉ là một phía.

Ông Michael Kelly khi tham dự VBF cũng phát biểu: “Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng, không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam”. Vấn đề quan trọng là ở chỗ đó.

(Theo Báo Đầu tư, 25/12/2018)