Tin tức mới nhất

Sự kiện mới nhất

Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Ngày đăng : 02/05/2019

Ngành công nghiệp hỗ trợ đã, đang được Hà Nội xác định là lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành Công nghiệp.

Kết quả hình ảnh cho Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn là ưu tiên của thành phố Hà Nội với những chính sách ưu đãi. Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ như: Quang Minh, Bắc Thăng Long - Nội Bài… thu hút không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới đến đầu tư.

Là một trong những địa chỉ phát triển công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) được đánh giá sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc N&G Corp cho biết, HANSSIP được Chính phủ, các bộ, ngành và TP. Hà Nội quan tâm, thúc đẩy phát triển và coi như “địa chỉ đỏ” để tạo chuỗi liên kết, quy tụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cùng doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Thành phố cũng như các sở, ban, ngành đã nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu, cụm công nghiệp khác của Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình giao thương, thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác ở thị trường nước ngoài… từ đó tạo dựng và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội.

Trong năm qua, kinh tế của Hà Nội tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, 20 chỉ tiêu phát triển mà thành phố đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; thu ngân sách vượt dự toán. Cụ thể, GRDP năm 2018 tăng 8,56% và duy trì năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 8,2%; năm 2017 tăng 8,48%). Đáng chú ý, với giá trị tăng thêm 7,7%, ngành Công nghiệp đã đóng góp 1,24 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung của chỉ tiêu phát triển...

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, ngày 9/4/2019, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành Công nghiệp hai năm (2019-2020) đạt 9,78-10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6-9%. Cũng theo kế hoạch này, thành phố sẽ điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm như chế biến - chế tạo, điện - điện tử, công nghiệp vật liệu, dệt may, bao bì. Thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; xây dựng một trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội…

Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể như kết nối doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, Sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

(Theo thanglong.chinhphu.vn, 2/5/2019)