Chiều 30-12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
(HPA) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 09-11/12/2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Trung tâm
Sẵn sàng các điều kiện đón tiếp người dân Thủ đô và du khách dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thời gian này, các bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở tôn giáo ở Hà Nội đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Khách tham quan tại di tích Nhà tù Hỏa Lò tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang.
Không chủ quan, lơ là trước dịch
Chỉ mới mở cửa đón khách trở lại hơn một tháng qua (từ ngày 13-3), danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, Mỹ Đức) đã thu hút hơn 40 vạn lượt khách hành hương trên cả nước về tham quan, vãng cảnh. Đây là con số đáng mừng, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho công tác phòng, chống dịch ở cơ sở, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang tới rất gần với những nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn khó lường.
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, cho biết: "Địa phương xác định tiếp tục duy trì các biện pháp đã được thực hiện hiệu quả thời gian qua, như: Thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế; tăng cường lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở mọi lúc, mọi nơi; giám sát và xử phạt kịp thời những trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch... Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải bảo đảm các điều kiện: Bố trí nước vệ sinh khử khuẩn tay cho khách, sắp xếp vị trí ngồi giãn cách, nhắc nhở khách đeo khẩu trang... Tại các điểm hành lễ, tiếp tục duy trì lực lượng hướng dẫn, nhắc nhở du khách chiều di chuyển, thời gian hành lễ phù hợp, tránh tình trạng tập trung đông người trong cùng một thời điểm".
Tương tự, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long thời gian này cũng đang tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch song song với việc khởi động tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, công tác phòng, chống dịch tại đây luôn được thực hiện nghiêm với hệ thống máy đo thân nhiệt và bình cung cấp dung dịch sát khuẩn tự động được lắp đặt ngay tại các khu vực đón tiếp.
"Khách đến tham quan, làm việc bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các bước khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay mới được vào khu di sản. Cùng với đó, suốt thời gian lưu lại nơi đây, mọi người phải chấp hành việc đeo khẩu trang và giãn cách theo quy định. Những điều kiện này sẽ tiếp túc được tăng cường trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19", bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại các điểm đến di sản nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ... cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất nhằm thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội trong việc triển khai công tác ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đó là, tổ chức phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ bề mặt tủ trưng bày, bàn ghế khu vực đón tiếp khách cũng như tăng cường nước sát khuẩn tay ở vị trí ra, vào khu tham quan...
Đo thân nhiệt là yêu cầu bắt buộc trước khi khách tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hạn chế thấp nhất nguy cơ tái bùng phát dịch
Đáng chú ý, bên cạnh phương pháp khai báo y tế truyền thống, 100% điểm đến di sản nổi tiếng của Hà Nội đều đã niêm yết mã QR, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho du khách thực hiện quy định của Bộ Y tế. Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho hay, thời điểm này, công tác phòng, chống dịch được đặt ở mức cao nhất. Khách không sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang sẽ không được vào tham quan. Khi tham quan, khách phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ, nhân viên di tích về phòng, chống dịch.
Trước đó, ngày 26-4, tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cũng đã nhấn mạnh, mặc dù Hà Nội đã qua 70 ngày không có ca mắc mới tại cộng đồng, nhưng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nguy cơ tái bùng phát dịch tại Hà Nội là rất cao.
"Thành phố cần tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nâng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, trường học, điểm đến di sản, tham quan du lịch...; tập trung vào việc thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng", Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu.
Có thể thấy, việc sẵn sàng, chủ động phòng, chống dịch tại các bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở tôn giáo trên địa bàn Hà Nội cho thấy những nỗ lực của các điểm đến di sản thời gian này nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào dịp nghỉ lễ dài ngày; bảo đảm điều kiện đón tiếp tốt nhất, đáp ứng nhu cầu tâm linh, vui chơi, giải trí chính đáng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
(Theo Báo Hà Nội mới - Ngày 27/4/2021).