Hà Nội - Sài Gòn, có lẽ với mỗi người, sẽ là bất tận để nhắc về những gì tạo nên kỷ niệm ở hai thành phố này. Một món ăn, một góc phố, cửa hàng cafe quen hay những con đường hiện lên trong cơn mưa đầu mùa? Những hình ảnh, màu sắc, hương vị tạo nên tình yêu của ta cho từng nơi chốn. Hà Nội và Sài Gòn cũng vậy.
Những ngày mùa xuân, nhắc đến Hà Nội là nhắc đến bầu không khí sũng nước ẩm nồm đến khó chịu, còn Sài Gòn lại là những ngày trời bắt đầu nắng chang chang cả ngày. Nhưng đừng chỉ nhớ về những cảm giác ấy, hãy nhớ cả về những mùa hoa bay khắp các góc phố như làm mình dịu lại và thấy thật ra giao mùa cũng có những điều thật đẹp, thật đáng yêu để nhớ về. Bầu trời Hà Nội thì phơn phớt sắc hồng của hoa ban, màu trắng kem mộc mạc của hoa sưa. Hay những chùm hoa kèn hồng và màu vàng rực rỡ như nắng của hoa huỳnh liên làm những chiều tháng 3 của Sài Gòn cũng trở nên dễ chịu.
Bao giờ cũng thế, hoa sưa sẽ là sắc hoa đầu tiên báo hiệu cho lòng người về mùa hoa của tháng 3. Có thể đến sớm, có thể đến muộn, nhưng khi hoa sưa nở, dù là người khô khan, cũng ít nhiều cảm nhận được cái tình mà người người, nhà nhà nhắc tới về sắc hoa trắng tinh khôi, đang vấn vương khắp thủ đô.
Mà hoa sưa hiếm khi nở lác đác, đã nở, bao giờ cũng phải là cả cây. Có thể hôm trước còn xanh mướt im lìm, hôm sau đi ngang qua, bạn đã thấy những mảng hoa bừng trắng cả góc đường. Thêm nắng, thêm gió, từng tán sưa xuyến xao bội phần. Lỡ khi có cơn gió "mất đà" thổi mạnh, cả con đường như thể phủ "tuyết nhiệt đới" long lanh.
Nhà văn Thạch Lam từng chắp bút về Hà Nội thế này: "ồn ào và huyên náo, lung linh rực rỡ ánh đèn". Đâm ra, nhiều vị khách vãng lai đôi lúc nhầm tưởng về chốn kinh kỳ. Nhưng với những người đã sống lâu năm ở Hà Nội, thừa biết vẻ dịu dàng, man mác, thanh lịch của thủ đô mỗi độ tháng 3, khi khoác lên tấm áo hoa sưa trắng dịu dàng. Nói thì dễ, viết cũng dễ, có cảm nhận được vẻ bồng bềnh, tinh tế đó thì mới khó. Nhưng đó lại là chuyện của những lớp lão làng, còn với người trẻ, đơn giản là hoa sưa đẹp, hoa sưa tình, giơ máy chụp con ảnh, check-in cho thiên hạ, như vậy là biết cái đặc trưng của thủ đô. "Ngôn ngữ" trân trọng và cảm nhận của tụi trẻ thời giờ như thế đó.
Vào mùa sưa, ra đường vào tầm sáng sớm hoặc chiều chiều là quãng thời gian phù hợp nhất để cảm nhận vẻ mong manh của sắc hoa "biểu tượng" thủ đô. Nhiều nhất là trên khu phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh hay Giảng Võ, rồi đường Thanh Niên, không thể quên cây sưa rợp trời ở gần Lăng Bác… Cứ đến mùa sưa là chẳng cần ai bảo, ra đường thấy ai cũng nán lại một chút, ngắm nghía những mảnh tinh khôi mà nhẹ tênh cõi lòng…
Ở "quê hương" Tây Bắc, hoa ban tím như một nét son đằm tô điểm cho sự hoang dại của núi rừng, khi được đem về trồng rộng rãi ở Hà Nội, ưa nắng ưa gió, đến tháng 3 cũng góp sắc góp hương vào "bản đồ hoa" của thủ đô. Khi hoa sưa độ đã bùng xoè hết cỡ, lác đác rụng là người ta biết sắc ban tím sắp rộ khắp phố phường. Mùa hoa cứ nối tiếp mùa hoa...
Hoa ban thường nở vào đầu tháng 3, và kéo dài độ khoảng một tháng. Nếu hoa sưa bừng trắng thủ đô trong những ngày nắng, thì sắc tím của hoa ban lại khiến những ngày xầm xì, lâm thâm của mảnh đất kinh kì thêm nét lãng mạn. Hoa ban tím thì rõ bông, rõ cánh hơn hoa sưa. Nhưng cái sắc tím hồng mơ màng ấy chỉ thi vị nhất khi ngắm cả cây, cả hàng. Cây ra hoa trĩu xuống cả con phố, đất xám bám đầy mảnh mộng mơ.
Con đường Hoàng Diệu, ngay kế bên Hoàng thành Thăng Long và đường Bắc Sơn là những mạn có dàn ban tím nổi tiếng nhất. Những người hay lang thang khắp Hà Thành sẽ thi thoảng phát hiện được những cây ban tím đơn lẻ ở mạn Yên Phụ, Thanh Niên, Hồ Gươm... Đến độ hoa nở bắt đầu lác đác rụng, người dân rủ nhau tíu tít ra chụp ảnh với dàn ban, những dịp cuối tuần còn đông kín đường. Già trẻ lớn bé, ai ai cũng có những cách tận hưởng riêng.
Không như những vùng miền khác có những loài hoa đặc trưng, người ta ít nhắc đến hoa hoè ở Sài Gòn vì… ít hoa thật. Thế nên, những mùa hoa hiếm hoi như mùa kèn hồng mỗi độ tháng 3, tháng 4 về, càng in đậm trong tâm trí người dân nơi đây. Những mảng hồng lung linh giữa thành phố nhộn nhịp, ai thi vị hoá thì cũng không ngại so sánh nó với hoa mai anh đào diễm lệ của Đà Lạt.
Hoa kèn hồng được trồng thử nghiệm từ 2009, đến nay, người Sài Gòn đã có thể tự hào vì được đón một màu hoa của riêng mình. Trời càng nắng nóng, hoa càng nở sớm, độ giữa tháng 3 năm nay là đã thấy cơ man ảnh chụp choẹt hoa kèn hồng rộ khắp trời Sài Gòn. Mà cái hoa này là ra rất lạ, bao giờ lá cũng rụng lần hết, chỉ còn những chùm hồng anh ánh như những chiếc chuông nhỏ trên cây, mỗi khi gió qua là khẽ rung, phủ những đốm hồng li ti trên phố.
Võ Thị Sáu (quận 3), đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Hàm Nghi (quận 1), cầu Công Lý (quận Phú Nhuận) hay đại lộ Võ Văn Kiệt (phía quận 1, đoạn gần cầu Calmette) - là những “điểm hẹn” năm nào cũng thấy người trẻ check-in đầy trên mạng. Người ngắm, người đứng vào tạo dáng, năm nay còn có thêm người quay TikTok…, mỗi mấy chùm cây mà nhốn nháo cả con đường.
Hoa huỳnh nở thành những chùm vàng rộ, thon thon ở gần cuống rồi bung lên phía trên như ly trà, nhưng chỉ thường nở hai ngày rồi tàn, sau lại ra đợt hoa mới, rả rích tới tận tháng 5. Không chỉ có tán cây che bóng mát, sắc vàng huỳnh liên đan với sắc hồng hoa giấy, sắc đỏ sử quân tử… tạo thành vẻ tươi tắn làm dịu đi cái nóng gắt của Sài Gòn.
Không tính những khu huỳnh liên lác đác nội đô thì đoạn Lê Văn Sỹ (quận 3) và Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) là được trồng nhiều hơn cả. Hoa huỳnh liên mọc sát đường tàu, mỗi khi tàu hoả chạy qua như đang đi giữa miền đất hứa. Vì thế lắm người mải miết "săn" khoảnh khắc này, bất chấp nguy hiểm rình rập. Nên có đến đây tìm kiếm cảm giác thơ mộng giữa Sài Gòn với sắc vàng huỳnh liên, chú ý nhìn trước sau để tránh tàu, giữ yên tĩnh để không làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh bạn nhé!